Tu "từ từ", tu "tùy duyên" hay "tu mau kẻo trễ"?

Câu Hỏi

Kính gửi chị Phạm Thị Yến. Ở đạo tràng chúng em, có chị bảo là cứ từ từ mà tu, không đi đâu mà phải vội. Em thưa chị, chị ấy nói thế có đúng không ạ?

Cô Phạm Thị Yến Trả Lời:

Kính thưa quý đạo hữu! Ở đây, chúng ta có những từ: tu “từ từ”, tu “tùy duyên” và “tu mau kẻo trễ”. Ba từ ấy trong tu tập của mình đều phải có. Khi chúng ta “căng” quá, chúng ta bảo “từ từ thôi”; khi chúng ta lười biếng quá thì bảo “tùy duyên ấy mà, tu tội gì phải vội”.

Nếu chúng ta áp dụng tu từ từ trong tất cả mọi việc, trong tất cả duyên chúng ta đều tu từ từ thì quả báo cũng sẽ sạch từ từ, không thể nào tiêu trừ nhanh nghiệp chướng được. Cho nên, chúng ta phải tu mau kẻo trễ, nhưng trong tu mau lại bao hàm cả tu từ từ và tu tùy duyên. Ví dụ: Có một người đòi thọ bát quan trai giới 20 ngày 1 tháng, mình bảo họ “từ từ thôi, chứ tu như thế thì không được, có vợ có con ở nhà mà đòi rời đi 1 tháng 20 ngày để tu bát quan trai thì tan nát gia đình”. Cái này là tu từ từ, bao hàm cả tùy duyên, tức là mình phải quán cái duyên của mình, sự tinh tấn nhất là mình tu được những gì.

Đầu tiên, mình phải quán nhân duyên của mình, duyên này mình có thể tinh tấn tối đa đến mức độ nào để cho mình đoạn trừ được ác nghiệp của mình. Chúng ta cố gắng hết mình trong chỗ tùy duyên này. Ví dụ: chúng ta mới sinh đứa con, đang cho bú thì chúng ta tu vào lúc nào? Chúng ta nên tinh cần nghe Pháp, tư duy và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Khi chúng ta có con nhỏ lớp 1, lớp 2 thì ta xem thời gian của chúng ta dành cho gia đình và có thể dứt ra được lúc nào tối đa nhất. Đó vẫn thuộc vào tu mau, tu mau so với duyên của mình. Nếu chúng ta không quán được nhân duyên của mình thì mình sẽ biến trễ, mình sẽ đổ cho nhiều lý do: tôi phải thế này, tôi phải thế kia,... Còn trường hợp nhà mình có con còn bé, mẹ già mà mình bỏ phất đi 1 tháng 20 ngày làm công quả, về nhà lại cãi nhau ầm ĩ thì không được. Mình phải từ từ, đúng duyên.

Phật tử CLB Cúc Vàng tinh tấn làm phận sự phục vụ đại lễ Vu Lan tháng 7 năm 2019

Ví như bước chân của tôi đi từng bước từng bước, tôi không nhảy cách một cái thì đó vẫn là từ từ so với tôi, vẫn trong khả năng của tôi. Còn nếu ngoài khả năng của tôi thì tôi chạy một lúc tôi lại ngã. Cái từ từ này theo nhân duyên cứ tăng lên dần, đó là tu mau kẻo trễ.

Nếu có ai hỏi: “Chị có tinh tấn tu hành không?” - Trả lời: “Tôi thấy cuộc đời này gấp gáp quá rồi, tôi đang tu mau kẻo trễ đây”. 
Nếu ai hỏi: “Gia đình nhà chị đang tu tập thế nào?” - Trả lời: “Tôi đang tùy duyên tu tập”. 
Hỏi: “Nhà chị làm sao có thể bỏ công việc để đi tu tập?” - Trả lời: “Tôi đang tu từ từ đấy chứ”.

Trong tất cả các câu trả lời đó vẫn bao hàm hết, không thiếu sót cái nào. Mình nói một cách chân thật mà cũng rất lợi ích. Đôi khi, Phật tử chúng ta thấy người kia tinh tấn, chẳng biết gia đình người ta thế nào, duyên của người ta ra sao nên chưa gì đã nói “bỏ hết việc nhà việc cửa đi tu”, đó là tâm đố kỵ do vô mình. Đáng ra, mình phải hỏi: “Chị đi như thế chồng chị có kêu không? Con chị thì sao?”, nếu người ta giải quyết được thì mình phải hoan hỷ và tán thán. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ được mình, hiểu rõ được người nhé!

Chúc quý đạo hữu luôn luôn tinh tấn!

-
aa
+
653 lượt xem
14/08/2019

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ