Ý nghĩa của việc chép kinh là gì?

Kinh Phật là những lời dạy quý báu của Đức Phật, ngày nay được lưu truyền trong Tam tạng Kinh điển để chúng sinh đời sau được tu học và thực hành. Những lời dạy của Đức Phật vô cùng quý giá, bởi vì đó không chỉ là thuốc chữa bệnh khổ đau của chúng sinh, mà còn là kim chỉ nam đưa chúng sinh đi đến con đường liễu thoát luân hồi sinh tử, đạt được giác ngộ và giải thoát. Cho nên việc lưu truyền kinh Phật rộng rãi trong thế gian có công đức và phước báu rất lớn. Bởi những ai thực hành đúng lời Phật dạy đều được an lạc, tăng trưởng thiện căn lành, đạo đức, trí tuệ. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc chép kinh và thực hành lời Phật dạy được lợi ích như thế nào? Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi nội dung bài viết dưới đây!

Câu hỏi: Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con chào Cô Yến! Cô ơi, Cô cho cho con hỏi ạ. Hiện tại trong thời gian rảnh con rất muốn được ngồi chép bộ Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện, vậy con phải làm như thế nào để được lợi ích tốt nhất ạ? Xin Cô chỉ dạy cho con ạ. Con xin tri ân công đức của cô ạ.

Lưu truyền lời Phật dạy là trách nhiệm của người đệ tử Phật

Cô Phạm Thị Yến trả lời: Cô chào em! Kinh Phật là lời dạy vô cùng quý báu của Đức Phật, vì nếu ai làm theo lời Phật dạy sẽ bớt khổ và hết khổ. Cho nên, việc lưu truyền kinh Phật là trách nhiệm của đệ tử Phật và nếu ai phát tán kinh Phật cho số đông thì có công đức vô cùng lớn.

Thời xưa, việc in ấn rất khó khăn nên muốn chuyển tải phải tự viết. Bởi vậy, có kinh dạy "Một vì mẹ cha nên chép kinh này, kính biếu đó đây cho nhiều người tụng". Công đức chính ở chỗ "kính biếu kinh khắp đó đây cho nhiều người tụng". Việc chép kinh Địa Tạng có được công đức phải đúng sự đúng việc, đó là chuyển tải Pháp cho nhiều người được thực hành theo. Vậy thì nếu em chép để cho người khác đọc thì chữ em không thể dễ đọc được và độ bền không thể bằng kinh sách in được. Em thử tư duy, về ý nghĩa thì việc chép kinh biếu cho người khác đọc và in kinh biếu cho người khác đọc cũng như nhau nhưng hiệu quả khác nhau. Nếu em ngồi chép, mất vài ngày hoặc có thể bận quá em bỏ dở đến hàng tháng mới chép tiếp hoặc vì bận chép mà bỏ bê các việc nhà. Nhưng nếu em dùng vài ngày đó làm thêm thì em có thể ra một số tiền mua được rất nhiều kinh mà độ bền và chất lượng còn cao hơn rất nhiều, người nhận kinh để đọc sẽ hoan hỷ hơn. Giá một quyển kinh đẹp bây giờ khoảng vài ba chục nghìn, có lẽ rẻ hơn tiền mua giấy, mực, bìa đóng,...

Cô ví dụ thêm: Lúc trước kia, khi chưa có điện thoại nên khi yêu nhau, hai người luôn luôn viết thư gửi cho nhau để trao đổi tình cảm, thông tin mọi việc,... Nhưng bây giờ, họ dùng điện thoại gọi để trao đổi, mục đích giá trị như nhau, nhưng hiệu quả thì dùng điện thoại vẫn hơn. Nếu chúng ta làm điều gì mà trước khi làm không tư duy thì sẽ không có kết quả, có thể sẽ trở nên ấu trĩ, chấp trước, dẫn đến sai lệch.

Hiểu và thực hành lời Phật dạy để lợi mình, lợi người

Chúng ta khi làm bất cứ một việc gì thì cũng nên tư duy kỹ về việc mình làm theo lời Phật dạy: Lợi mình lợi người. Kinh Phật là lời Phật dạy nên đối với mình cần phải đọc, hiểu và thực hành (tức là: Văn - tư - tu) thì sẽ có kết quả. Cũng giống như tất cả các lĩnh vực khác ở đời, cũng cần đọc hoặc nghe, tư duy và thực hành mới có kết quả. Vậy nên đối với tự thân, em nên đọc và nghe giảng, tư duy kinh Địa Tạng, sau đó phải thực hành lời dạy trong kinh thì mới có kết quả.

Lời dạy trong kinh là đạo hiếu đối với cha mẹ hiện tại và cha mẹ quá vãng. Đối với cha mẹ hiện tại: Nếu ốm đau, trọng bệnh thì nên bán nhà cửa, ruộng vườn,... để làm lễ cúng dường hồi hướng cho cha mẹ (phẩm 6). Còn đối với cha mẹ quá vãng: Nên cúng dường trai tăng để hồi hướng cho cha mẹ. Ngoài hai việc cúng dường này, chúng ta phải phát tâm Bồ Đề, phát nguyện rộng lớn như Ngài Địa Tạng để báo hiếu tất cả các cha, các mẹ từ vô thuỷ kiếp tới nay.

Ngoài kinh Phật bằng sách cần chuyển tải rộng rãi thì lời giảng kinh của các Thầy cũng vô cùng quý. Vì giúp cho mọi người nghe kinh, hiểu kinh để áp dụng thực hành. Vậy nên khi nghe giảng pháp, chúng ta kiểm chứng bằng cách áp dụng thực hành. Khi thấy được lợi ích, chúng ta chia sẻ trên mạng cho nhiều người học. Đó cũng là công đức chuyển tải phật pháp rộng đến số đông và cũng là việc chép kinh biếu tặng cho người đọc. Việc này rất dễ làm và hiệu quả rất cao, công đức dễ tạo, phúc báo dễ thành.
Chúc em tinh tấn!
(Trích lời của Cô Phạm Thị Yến trả lời trong nhóm Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến - Tâm Chiếu Hoàn Quán)

Xem thêm: 

Tụng kinh Địa Tạng Bồ tát Bổn nguyện thế nào để được lợI ích nhất?
Nghi thức tụng kinh Địa Tạng phẩm bảy: Lợi ích kẻ còn người mất 
Nghe Pháp có lợi ích gì? 
 

-
aa
+
8,029 lượt xem
06/12/2019

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. L
    L

    Lan Phương

    03/11/2023
    Con muốn được quy y Tam Bảo, xin Cô hướng dẫn cho con với ạ.