Điều gì khiến bạn trẻ 19 tuổi có thể hóa thân xuất sắc vào nhân vật Ngài Tu Bạt Đà La 120 tuổi?

Trong chương trình kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn tại chùa Ba Vàng (15/02/Nhâm Dần), qua vở hoạt kịch “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết Bàn”, khán giả rất ấn tượng với vai diễn Ngài Tu Bạt Đà La - người đệ tử cuối cùng được Đức Phật thế độ do bạn Lê Văn Nam - thành viên đạo tràng Minh Phổ Thanh Sơn - Quảng Ninh thủ vai.

Đây là vai diễn được đánh giá vô cùng khó thể hiện do nhân vật có tính cách đặc biệt và diễn biến tâm lý phức tạp. Đặc biệt, bạn Lê Văn Nam còn rất trẻ (sinh năm 2003) trong khi Ngài Tu Bạt Đà La thời điểm đó là 120 tuổi. Vậy Nam đã làm thế nào để diễn tròn vai này?

Xin mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu về quá trình luyện tập, hóa thân vào vai diễn của bạn Nam qua bài viết dưới đây.

1. Những nguồn động lực to lớn giúp vượt qua khó khăn trong vai diễn

Niệm ân đức Tam Bảo, Sư Phụ cùng đại Tăng và Cô chủ nhiệm để vượt qua những ngày làm việc với cường độ cao

Nam chia sẻ, bạn nhận được kịch bản và diễn tập vỏn vẹn trong 3 ngày nên mọi công việc khác đều phải tạm gác lại, ưu tiên dành thời gian cho vở kịch. Có những ngày phải thức đến 2 giờ sáng để tập luyện, còn những đạo hữu làm việc trong khâu chuẩn bị trang phục, đạo cụ thì có lẽ phải thức khuya hơn.

Nam kể lại: “Lần này được vào vai chính nên mình phải học rất nhiều lời thoại, mình lo lắng không biết 3 ngày có kịp không. Thời gian gấp rút như vậy nên việc thức khuya để học kịch bản là chắc chắn, bởi nếu không hiểu được nhân vật thì mình cũng chẳng yên tâm mà đi ngủ được. Đôi lúc mình cũng cảm thấy hơi mệt mỏi, thiếu ngủ nhưng chỉ cần nghĩ đến ân đức từ nơi Tam Bảo, Sư Phụ cùng Đại Tăng và Cô Phạm Thị Yến thì mọi thứ đều tan biến mất. Mình cảm thấy có một nguồn năng lượng rất tích cực đến với mình và mình hoan hỷ, hăng say làm việc hơn. Bên cạnh đó, sự động viên và giúp đỡ của các đạo diễn, biên kịch cũng giúp mình thấy yên tâm hơn được phần nào, không bị tâm lý khi tập luyện”.

Dù phải tập luyện trong thời gian gấp rút, Nam vẫn hoan hỷ, hăng say làm việc
Dù phải tập luyện trong thời gian gấp rút, Nam vẫn hoan hỷ, hăng say làm việc

Tâm nương tựa giúp bắt mạch cảm xúc của nhân vật trong từng phân cảnh

Ngài Tu Bạt Đà La là nhân vật có diễn biến tâm lý khá phức tạp, nên khi thể hiện vai diễn lần này, Nam gặp khá nhiều khó khăn: “Mình gặp khó khăn trong việc bắt mạch cảm xúc của nhân vật qua từng phân cảnh và phải nhập vai làm sao để thể hiện được diễn biến tâm lý nhân vật thật đạt như u mê, tà kiến, giằng xé nội tâm,... Thực sự, mình nghĩ chỉ có tâm nương tựa mới có thể giúp mình diễn được vai này. May mắn thay, mình cũng có nhân duyên được nghe những lời sách tấn, chỉ dạy của Cô chủ nhiệm về vai diễn. Từ đó, mình đã tư duy, áp dụng và cố gắng thể hiện được đúng nhất tâm lý của nhân vật trong khả năng. Với mong muốn khán giả sẽ khởi tâm hoan hỷ, tăng trưởng tín tâm với Phật Pháp nên mình đã cố gắng hết sức để làm tròn vai diễn”.

 Ngài Tu Bạt Đà La có diễn biến tâm lý phức tạp nên Nam phải rất cố gắng để diễn tròn vai
 Ngài Tu Bạt Đà La có diễn biến tâm lý phức tạp nên Nam phải rất cố gắng để diễn tròn vai
 Lễ tế thần được tái hiện sinh động trong vở hoạt kịch “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn”
 Lễ tế thần được tái hiện sinh động trong vở hoạt kịch “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn”

Đội ngũ hỗ trợ hùng hậu sau ánh đèn sân khấu

Ít ai biết rằng, phía sau ánh hào quang sân khấu là những “người hùng” thầm lặng - tổ trang điểm, hóa trang, ban trang phục, ban mộc, cơ khí, trang trí, đạo cụ,... đã vất vả đến nhường nào để chuẩn bị cho đêm văn nghệ chỉ với 3 ngày ngắn ngủi.

Nam chia sẻ: “Điều khiến mình luôn thán phục và cảm kích là kể cả những lúc vất vả, căng thẳng như vậy, họ vẫn luôn hoan hỷ, giữ vững tinh thần lạc quan, vui vẻ và cực kỳ cố gắng để hoàn thành thật tốt công việc. Trước đây, mình đã đi diễn ở một vài nơi nhưng thực sự chưa ở đâu có được những con người làm việc với tinh thần trách nhiệm cao đến vậy. Theo mình, lý do để họ luôn chăm chỉ, nhiệt tình như vậy chắc hẳn là từ tinh thần phụng sự Tam Bảo, tâm nương tựa vững chắc và thực hành lục hòa”.

Đối với Nam, để có một chương trình nói chung và vở kịch nói riêng thành công như vậy, là cả sự chung tay, góp sức của toàn bộ ekip sản xuất: “Thực sự mình rất xúc động và cảm kích khi được mọi người trợ duyên trong chương trình lần này. Nếu không có họ thì chắc hẳn nhân vật Ngài Tu Bạt Đà La không thể chạm được đến cảm xúc của khán giả và gây ấn tượng với người xem. Nhờ sự chung tay, góp sức của cả ekip sản xuất chương trình và các đội, nhóm hỗ trợ mới có đêm văn nghệ thành công như thế. Mình xin chân thành tất cả mọi người đã trợ duyên tích cực cho mình để có thể hoàn thành thật tốt vai diễn. Mong các anh chị sẽ luôn giữ được tinh thần hoan hỷ, tinh tấn phụng sự Tam Bảo, kỹ năng ngày một tiến bộ để nâng tầm chất lượng các chương trình sắp tới hơn nữa”.

Để có được chương trình thành công là sự góp sức của toàn bộ các ban trong chùa
Để có được chương trình thành công là sự góp sức của toàn bộ các ban trong chùa

Bên cạnh đó, nhờ tham gia chương trình tu tập kỷ niệm ngày Đức Phật nhập Niết Bàn mà Nam khởi sinh được tâm tri ân sâu sắc: “Qua những ngày tu tập, mình cảm thấy tâm tri ân đối với Đức Phật của mình ngày một lớn hơn. Ngài hóa độ chúng sinh trong tất cả các duyên, đến cả khi sắp nhập Niết Bàn vẫn độ cho người ngoại đạo Tu Bạt Đà La. Sự từ bi, hết lòng vì chúng sinh của Ngài thực sự là tấm gương để cho mình noi theo và là nguồn động lực to lớn cho tất cả mọi người làm việc chuẩn bị cho chương trình hăng say không quản ngày đêm như vậy”.

2. Phân cảnh ấn tượng trong vở kịch

Điều Nam ấn tượng nhất trong vở kịch là phân cảnh Ngài Tu Bạt Đà La được Đức Phật thế độ cho xuất gia, sau đó Ngài cùng Tăng đoàn ôm bình bát đi khất thực. “Phân cảnh này thực sự đã chạm đến trái tim mình. Khi đóng vai Ngài Tu Bạt Đà La, mình cảm nhận được phần nào sự hạnh phúc của người tu sĩ xuất gia, được đi theo Chính Pháp của Phật. Mình đã khởi lên suy nghĩ rằng, dù Đức Phật đang mang thân bệnh nhưng Ngài vẫn độ cho người ngoại đạo được xuất gia. Điều này cho thấy lòng từ của Đức Phật vô cùng vĩ đại, dù đã sắp nhập Niết Bàn nhưng vẫn luôn lo lắng cho chúng sinh. Chắc có lẽ mình không thể nào quên được kỷ niệm khi đóng vai diễn này vì nó quá đặc biệt và ấn tượng”.

Phân cảnh Nam được hóa thân vào vai Ngài Tu Bạt Đà La cùng Tăng đoàn đi khất thực
Phân cảnh Nam được hóa thân vào vai Ngài Tu Bạt Đà La cùng Tăng đoàn đi khất thực

3. Kỷ niệm đáng nhớ khi hóa thân vào vai diễn

Để hóa trang một người 19 tuổi thành Ngài Tu Bạt Đà La 120 tuổi, khâu hóa trang được chuẩn bị vô cùng kỹ lưỡng, phức tạp và tỉ mỉ, sao cho nhân vật được tái hiện chân thật nhất có thể. Đây cũng là kỷ niệm đáng nhớ của bạn Nam trong quá trình chuẩn bị cho đêm diễn.

Nam chia sẻ: “Câu chuyện về chiếc da bọc đầu và chùm râu giả khi hóa trang khiến mình nhớ mãi. Chị hóa trang đã phải làm cho mình tới 4 lần. Việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cả kinh nghiệm mới có thể làm nhanh và để được lâu. Trong khi đội hóa trang “cây nhà lá chùa” thì không có kỹ năng thực tế mà chỉ học hỏi lẫn nhau, xin tư vấn từ bên ngoài, thành ra mọi người rất vất vả khi phải làm đi làm lại nhiều lần. Tuy nhiên, chị hóa trang cho mình vẫn rất cố gắng, không than phiền một câu nào, thậm chí còn quên ăn và làm liên tục từ 14h đến 23h tối mới tạm ổn công việc. Còn về chùm râu giả, đến ngày biểu diễn thì không có đúng mẫu râu cần dùng. Chị biên kịch đã đích thân đi làm râu, gác lại hết mọi việc để tập trung cho nhân vật. Mặc dù khi lên hình, bộ râu vẫn chưa được như kỳ vọng nhưng mình thấy ở chị có sự cố gắng, hy sinh, có "tâm" và trách nhiệm rất lớn”.

Nhân vật Ngài Tu Bạt Đà La đòi hỏi hóa trang rất cầu kỳ

Nhân vật Ngài Tu Bạt Đà La đòi hỏi hóa trang rất cầu kỳ

4. Lời tri ân khi được làm phận sự

Nam bày tỏ lòng tri ân vì đã được có cơ hội để được tái hiện nhân vật mang tính lịch sử và đem đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc, hoan hỷ với Chính Pháp của Phật: “Con xin tri ân Sư Phụ, đại Tăng và Cô chủ nhiệm và Pháp lục hòa. Bởi nhờ có Pháp lục hòa mà chúng con mới có động lực để cố gắng, nâng đỡ nhau cùng hoàn thành thật tốt vở kịch. Nhất là những khi tập luyện có chút áp lực, mệt mỏi hoặc đôi khi bất đồng quan điểm với nhau, nhưng nhờ áp dụng lời dạy của Sư Phụ, những lời sách tấn của Cô và nhờ thực hành Pháp lục hòa, chúng con đã cùng nhau vượt qua được và hoàn thành tốt vai diễn của mình. Con xin cảm ơn các cô bác ban cơ khí đã dựng sân khấu rất chắc chắn để chúng con an tâm biểu diễn; ban trang trí, cây cảnh đã tạo nên bối cảnh thiên nhiên vô cùng gần gũi; ban bếp, ban hành đường đã nấu và sắp những món ăn ngon cho chúng con có sức khỏe làm việc,... và còn rất nhiều ban ở chùa đã góp sức vào chương trình lần này mà con không thể kể hết. Cảm ơn mọi người vì tất cả!”.

Với tinh thần hòa hợp cùng sự chỉ dạy tận tình của Cô chủ nhiệm về những ý tưởng sơ khai, các Phật tử đã cùng nhau hoàn thành vở kịch “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn”

Với tinh thần hòa hợp cùng sự chỉ dạy tận tình của Cô chủ nhiệm về những ý tưởng sơ khai, các Phật tử đã cùng nhau hoàn thành vở kịch “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết bàn”

Nhờ một lòng nương tựa Tam Bảo, Sư Phụ và đại Tăng cùng Cô chủ nhiệm, Nam đã hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc; thể hiện rõ nét các đặc điểm, tính cách của nhân vật Ngài Tu Bạt Đà La cũng như truyền tải được câu chuyện “Ngoại đạo với sự kiện Đức Phật nhập Niết Bàn”. Chúc Nam sẽ được tinh thần nhiệt huyết với diễn xuất, tiếp tục cống hiến cho các vai diễn sau này để góp phần truyền tải Phật Pháp rộng khắp muôn nơi.

-
aa
+
1,704 lượt xem
20/03/2022

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. H
    H

    Hoàng Thị Phương Mai

    15/07/2022
    Com xin thành kính tri ân công đức trên Sư Phụ cùng Đại Tăng Ni và Cô CN ạ