Phòng ngủ đã từng sử dụng có nên đặt bàn để thờ cúng hay không?

Bàn thờ là nơi linh thiêng, thể hiện lòng thành kính, tri ân của con cháu đối với tổ tiên, vì thế nơi đặt bàn thờ luôn được chú trọng đặc biệt. Tuy nhiên, việc chuyển bàn thờ sang một gian phòng khác đã từng được sử dụng và sinh hoạt trong gia đình, dù phòng đã được sơn sửa mới nhưng vẫn khiến nhiều người đắn đo, suy nghĩ vì sự thiếu thanh tịnh.
Vậy về vấn đề này, đạo Phật có quan điểm như thế nào? Thờ cúng thế nào để được phúc lộc? Kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu qua sự chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa

Câu hỏi về việc chuyển bàn thờ sang phòng đã từng sử dụng

Trên trang Fanpage Tâm Sự Cùng Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán), một bạn có nick Facebook Phạm Hồng đã đặt câu hỏi cho cô Phạm Thị Yến như sau: “Cháu chào Cô. Cô ơi, Cô cho cháu hỏi một việc ạ. Vì phòng thờ của gia đình cháu không được rộng nên cháu muốn sử dụng phòng mà vợ chồng cháu đã từng ở để làm phòng thờ thì có được không ạ? Cháu đã tẩy và sơn lại sạch sẽ nhưng cháu vẫn còn băn khoăn vì trước đây là phòng ngủ. Cháu xin Cô cho cháu lời khuyên ạ! Cháu xin tri ân công đức của Cô”.

Câu hỏi từ nick Facebook Phạm Hồng trong nhóm Tâm sự cùng Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)
Câu hỏi từ nick Facebook Phạm Hồng trong nhóm Tâm sự cùng Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)

Có nên chuyển bàn thờ sang phòng đã từng sử dụng?

Để trả lời câu hỏi của bạn, Cô đã lấy ví dụ về hình ảnh đôi tay, dù phải làm rất nhiều công việc khác nhau, hoạt động liên tục ngày này qua ngày khác nhưng nếu đôi tay ấy được rửa sạch sẽ thì đôi tay ấy vẫn có thể tiếp tục làm những việc khác. Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Giống như đôi bàn tay mình, lúc đi làm đồng, lúc tắm rửa cho con, lúc cầm đồ dơ bẩn,... lúc múa, lúc cầm đồ ăn,... vậy, chúng ta chỉ tính hiện tại sạch sẽ”.
Cô cũng chia sẻ thêm để người đọc được hiểu rõ: “Cũng vậy, gian phòng đó khi trước là phòng ngủ nhưng bây giờ chúng ta đã dọn sạch thì có thể lấy làm phòng thờ. Ví như tay của người nông dân đi cấy, tay của người đi làm mỏ,... nhưng khi rửa sạch đi thì có thể bốc đồ ăn”.
Như vậy, qua lời lý giải của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta hiểu được yếu tố quan trọng đó chính là tính sạch sẽ. Ví dụ đôi tay, dù có làm các việc nhưng khi rửa sạch sẽ cũng có thể cầm đồ ăn. Cũng vậy, bàn thờ trước khi chuyển phòng khác, dù là phòng ấy đã từng sử dụng thì chỉ cần sạch sẽ, gọn gàng, thanh tịnh.

Chúng ta nên đặt bàn thờ ở nơi sạch sẽ và thanh tịnh (ảnh minh họa)
Chúng ta nên đặt bàn thờ ở nơi sạch sẽ và thanh tịnh (ảnh minh họa)

Thờ phụng bàn thờ thế nào để sinh ra phúc báu?

Khi đã chọn được vị trí đặt bàn thờ thích hợp thì chúng ta thờ cúng như thế nào để có phúc, có lộc? Để giúp quý Phật tử hiểu rõ vấn đề này, Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Ban thờ để thờ phụng, vậy thì thờ phụng thế nào sinh ra phúc? Thờ phụng trong nhà Phật được học là ba đức, sáu vị cúng Phật và Tăng, pháp giới hữu tình, thảy đồng cúng dường. Vậy thì ba đức này là gồm ba đức gì đây?”.

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về cách thờ phụng sao cho được nhiều phước báu
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về cách thờ phụng sao cho được nhiều phước báu
#1 Bàn thờ phải đầy đủ ba đức: Sạch sẽ, thanh tịnh và đúng Pháp

Đức đầu tiên trong ba đức là đức sạch sẽ, bàn thờ phải luôn được giữ gìn sạch sẽ. Cô chia sẻ: “Đức sạch sẽ tức là chúng ta giữ cho ban thờ được sạch sẽ và hướng quay của ban thờ cũng phải vào nơi sạch sẽ. Cho nên, thời xưa, nhà các cụ có 3 gian thờ, bao giờ các cụ cũng đặt ban thờ ở giữa quay ra cửa (tức là hướng vào không trung). Đức ấy chính là đức sạch sẽ”.
Đức thứ hai là đức thanh tịnh. Khi chúng ta dâng lễ cúng lên cho gia tiên, tiền tổ, với bổn phận, trách nhiệm của con cháu, chúng ta phải hướng tâm hiếu nghĩa đến tổ tiên, nhớ ơn công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, bởi vì có tổ tiên, cha mẹ thì mới có chúng ta.
Cô Phạm Thị Yến giải thích: “Chúng ta thờ cúng để nhớ đến ân đức tổ tiên và luôn đau đáu làm thế nào cho tổ tiên của mình được an nhàn, làm thế nào mới đúng là báo đáp công đức tổ tiên. Khi dâng đồ ăn, chúng ta mong cho tổ tiên ăn được và tìm cách để tổ tiên có thể ăn được. Thêm nữa, chúng ta tư duy làm cách nào để tổ tiên siêu thoát. Như vậy mới gọi là báo hiếu tổ tiên. Tất cả tư duy, suy nghĩ đó thuộc về thanh tịnh, tức là đức thứ hai”.
Đức thứ ba là đức đúng Pháp, tức là thờ cúng mang lại lợi ích cho người mất và cả người sống. Về vấn đề này, Cô chủ nhiệm đã dẫn lời Đức Phật dạy: “Trong các bài kinh Tế Đàn, Đức Phật dạy rằng: khi dâng thức ăn, đồ cúng cho người mất mà không có máu thịt của chúng sinh thì chư Phật, Bồ Tát, Thánh Tăng tới đàn lễ đó. Trong bài “Cúng linh”, chúng ta dâng phần thức ăn tương ưng xứ, tức là tương ưng với phước báu của gia tiên, những hương linh đang ở trong cõi ngạ quỷ thì hương linh sẽ nhận được đồ cúng thí đó. Trong bài kinh “Ngạ quỷ ngoài bức tường”, Đức Phật dạy: cúng dường trai Tăng, hồi hướng phước lành cho gia tiên thì gia tiên nhà mình sẽ được siêu thoát. Trong kinh Địa Tạng, phẩm 7 - Lợi ích cho kẻ còn người mất, Đức Phật dạy rằng: nên cúng chay tịnh cho người mất, không có sát sinh và nên cúng dường trai Tăng, hồi hướng phước lành cho người đã mất. Đó là đúng Pháp, cũng là đức thứ ba”.

Giữ tâm luôn thanh tịnh và áp dụng lời Phật dạy trong việc thờ cúng sẽ đem đến lợi ích cho cả kẻ còn, người mất
Giữ tâm luôn thanh tịnh và áp dụng lời Phật dạy trong việc thờ cúng sẽ đem đến lợi ích cho cả kẻ còn, người mất
#2 Vật thực dâng cúng trên bàn thờ có đủ sáu vị

Ngoài ba đức, thì yếu tố sáu vị rất quan trọng trong thờ cúng, Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Sáu vị bao gồm: đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt. Thực chất, trong bát cơm và cốc nước chè hoặc trong một lá rau cũng có đầy đủ sáu vị này. Cho nên, mâm cơm chay gồm bát cơm, cốc nước chè, một ít rau, đậu, lạc là đã đủ cúng cho các hương linh thọ thực rồi”.

Để hương linh có thể thọ thực được thì vật thực mà chúng ta dâng cúng trên bàn thờ cần đầy đủ sáu vị: đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt (ảnh minh họa)

Để hương linh có thể thọ thực được thì vật thực mà chúng ta dâng cúng trên bàn thờ cần đầy đủ sáu vị: đắng, cay, chua, chát, mặn, ngọt (ảnh minh họa)

Khi đặt hướng ban thờ thì chúng ta nên thực hành đầy đủ ba đức, sáu vị. Đó là điều cần thiết và quan trọng. Cô Phạm Thị Yến cũng chia sẻ thêm: “Đức Phật dạy quay hướng ban thờ là như vậy. Ba đức, sáu vị là chúng ta chỉ cần dọn ban thờ sạch sẽ, quay hướng sạch sẽ, tâm thanh tịnh rồi cúng dường đúng Pháp cho hương linh. Như vậy, chúng ta sẽ làm ăn phát đạt. Đó cũng gọi là phong thủy”.
Bên cạnh đó, Cô cũng nhận định về phong thủy để chúng ta hiểu được phong thủy là do tâm quyết định: “Phong thủy là ở tâm, ở sự giác ngộ. Phong thủy trong nhân quả sẽ đem đến hạnh phúc cho cả người đã mất và người còn sống. Và điều này áp dụng cho tất cả mọi người”.
Như vậy, để việc thờ cúng được lợi ích cho người sống và người mất, cũng như mang lại quả báu, phúc lộc thì chúng ta nên thực hành đúng theo lời Đức Phật dạy. Cô chủ nhiệm đưa ra lời khẳng định: “Những điều Phật dạy là chân thật, cho nên, giác ngộ là biết sự thật về sự vận hành nhân quả đối với tất cả chúng sinh trong pháp giới này. Và nếu chúng ta thực hành để đạt được giác ngộ thì chúng ta sẽ được hạnh phúc, an vui”.
Từ lời Phật dạy, qua sự giảng giải của Cô Phạm Thị Yến, mong rằng, không chỉ bạn Phạm Hồng mà cũng như quý độc giả sẽ có được tri kiến đúng đắn đối với vấn đề tâm linh để thấy được việc đặt bàn thờ trong gia đình rất quan trọng. Qua đó, hy vọng quý Phật tử thực hành đúng lời Phật dạy để đem lại lợi ích cho kẻ còn, người mất; trong công việc, cuộc sống hiện tại được suôn sẻ, gia quyến được an vui, hạnh phúc.

Hạnh Ngân
Các bài nên xem:

-
aa
+
2,935 lượt xem
16/08/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ