Phát tâm tu Bát quan trai giới kỷ niệm sinh nhật CLB Cúc Vàng Tập Tu Lục Hoà

Kính thưa các quý đạo hữu, 03/02 năm Canh Tý (tức ngày 25/02/2020) là ngày sinh nhật của Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên chúng ta không thể tập trung để tổ chức sinh nhật được.
Kính thỉnh quý đạo hữu phát tâm thọ nhận giới bát Quan trai tu tập tại nhà để mừng sinh nhật của Câu lạc bộ. Vẫn biết rằng tu tập tại nhà thì không viên mãn công đức bát Quan trai giới, nhưng tâm chúng ta hướng tới giới và tinh tấn tu tập, vẫn thành tựu các phần công đức. Buổi sáng quý Phật tử, nhận giới qua mạng và tụng kinh Tam Bảo, nếu có thời gian thì tụng cả kinh Dược Sư. Buổi chiều ngồi thiền sau đó nghe lại một bài Pháp của Sư Phụ. Nếu quý đạo hữu nào vẫn phải đi làm không nghỉ được thì vẫn nhận giới và tùy duyên tu tập, nhưng cố gắp nhiếp tâm luôn hướng về giới.

phta-tam-tu-bat-quan-trai-gioi
Phật tử trong CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa phát tâm tu Bát Quan trai giới tại nhà nhân dịp sinh nhật CLB (Ảnh minh họa) 

Quý đạo hữu có thể tu tập theo chương trình sau:
* Sáng:
Sắm lễ: Sắm 3 bát cơm và 3 cốc nước để dâng cúng lên chư Phật, chư Bồ Tát, chư Thánh Tăng, dâng cúng lên chư Thiên, chư Thần, hiến cúng các vong linh. 

NGUYỆN HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác.
Nam mô Bồ Tát Hương Cúng Dường. (3 lần)
(cắm hương)

VĂN KHẤN
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Con kính bạch chư Phật, chư Bồ tát, chư Thánh Hiền Tăng chứng minh cho con. Con xin thỉnh hết thảy chư Thiên, chư Thiện Thần, Hộ Pháp quang giáng nơi Pháp hội ủng hộ cho con.
Đệ tử con tên là... Pháp danh.... ở tại....
Hôm nay là ngày 03/02 Âm lịch, ngày sinh nhật của Câu lạc bộ Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa, con thành kính hướng về thập phương chư Phật, hướng về Sư Phụ cùng chư Tăng chùa Ba Vàng, thành tâm xin thọ nhận bát Quan trai giới tu tập một ngày một đêm:
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không sát sinh. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không trộm cắp. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không dâm dục. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không nói dối, không nói lời ác khẩu, không nói lời thêu dệt, không nói lời đâm thọc. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không sử dụng các chất gây nghiện. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không trang điểm, không ca múa hát xướng các trò vui thế gian. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không nằm giường toà cao tốt. (1 lễ)
Con xin phát nguyện một ngày một đêm thọ nhận giới không ăn phi thời. (1 lễ)
Con cũng xin nương oai lực Tam Bảo, hạnh nguyện độ sinh, độ cho vong linh của chư Tăng chùa Ba Vàng, con xin thỉnh mời vong linh... về cùng với con tu tập.
Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát!
Nam mô Thường Gia Hộ Bồ Tát Ma Ha Tát! (1 lễ)
(quỳ gối, chắp tay)

LỄ TÁN PHẬT
Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
(pháp khí: khánh, chuông)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)

TÁN PHÁP
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn
Trăm nghìn muôn kiếp khó được gặp
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ
Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần)

TỤNG KINH VESĀLI THIÊN TAI, DỊCH HOẠ VÀ KINH DƯỢC SƯ
(Khai chuông mõ, pháp khí: mõ chuông)

1. KINH VESĀLI THIÊN TAI, DỊCH HOẠ

Qua tháng thứ hai an cư, xảy ra một biến cố. Chuyện là, miền Nam sông Gaṅgā trời đổ mưa liên tục từ ngày này sang ngày khác; nhưng suốt bốn năm tháng nay, phía Bắc lại không có một giọt mưa. Thế là một thảm họa đổ xuống các tiểu bang ở đây, nhất là kinh thành Vesāli: Đất đai nứt nẻ, đồng ruộng, nương vườn khô cháy; mùa màng thất bát, lúa gạo dự trữ không đủ sức cầm hơi, rau cỏ không có mà ăn. Thế là đói khát trầm trọng (dubbhikkhan-tarakappa) xảy ra. Đó là nạn thứ nhất. Vì đói nên người chết rất nhiều, người sống không còn đủ sức mang xác ra nghĩa địa hoặc hỏa thiêu; họ chỉ việc quăng xác ra ngoại thành, mùi hôi thối tỏa khắp mọi nơi. Ác dạ-xoa lộng hành quậy phá làm khổ dân chúng. Đó là nạn thứ hai. Vì xác chết, vì hôi thối nên dịch bệnh lan tràn; nhất là bệnh đường ruột, bao tử (vì gặp cái gì ăn được là ăn), bệnh dịch tả (các nguồn nước cạn kiệt bị ô nhiễm) càng làm cho người chết nhiều thêm nữa. Đó là nạn thứ ba!
Các đức vua và hội đồng tướng lãnh các tiểu bang cộng hòa cấp tốc hội họp, đề cử một viên đại thần, tên là Mahāli – vốn là thân hữu của đức vua Seniya Bimbisāra – làm trưởng đoàn sứ giả, mang lễ phẩm trọng hậu đến Rājagaha, nhờ đức vua giúp đỡ, trình lên đức Phật, mong ngài đến tiểu bang Licchavī, kinh thành Vesāli để cứu khổ cho muôn dân. Đức vua không dám nhận hậu tình, bảo rằng đoàn sứ giả nên đến đảnh lễ đức Phật, dâng lễ phẩm và tường trình mọi sự lên ngài, hiện ngài đang an cư ở Trúc Lâm với đại chúng Tỳ-khưu!
Tôn giả Mahā Moggallāna đứng một bên, sau khi nghe viên đại thần Mahāli trình bày ba thảm nạn tại Vesāli, rồi khẩn cầu đức Phật giải họa, tự nghĩ: “Trong con mắt của thế gian, đức Thế Tôn không những thuyết giáo con đường giác ngộ, giải thoát – mà bây giờ ngài còn là một bậc Đại Siêu Nhân (Mahāpurisa), có thể có khả năng điều động thiên nhiên, kêu gió gọi mưa như các bà-la-môn phù thủy! Tuy nhiên, không những đức Tôn Sư làm được, mà các vị thượng thủ A-la-hán cũng làm được. Đấy chỉ là sự vận hành tâm-sinh-vật lý tương quan, tương tác lẫn nhau! Trong trường hợp này, năng lực của tâm là tăng thượng – có thể dẫn dắt, điều động các năng lực khác!”
Đức Phật đã sớm biết chuyện này, ngài nói:
– Các ông hãy về đi! Như Lai và hội chúng năm trăm Tỳ-khưu sẽ đến Vesāli trong mươi, mười mấy hôm nữa! Như Lai đã có duyên với hoàng tộc Licchavī và dân chúng Vesāli – thì Như Lai sẽ cố gắng trong khả năng của mình!
Lúc phái đoàn sứ giả ra về rồi, Đức Phật nói chuyện với vị đại đệ tử:
– Này Moggallāna! Ông nghĩ đúng đấy! Tuy nhiên, ba thảm nạn của Vesāli xảy ra là do ba nguyên nhân tương tác lẫn nhau: Thứ nhất là do nắng nóng khô hạn, thứ hai là do ác pháp phát sanh từ các người lãnh đạo, thứ ba là do chư thiên, thiện thần, thiện dạ-xoa bỏ đi. Bây giờ, ông hãy gọi Ānanda đến đây!
Sau khi có mặt cả hai vị, đức Phật nói:
– Ānanda có trí nhớ rất tốt, vậy phải học bài kinh uy lực của Tam Bảo mà Như Lai sẽ đọc sau đây, nó có tên là Ratanasutta; sau khi thuộc rồi, ông hãy lựa chọn mấy trăm vị Tỳ-khưu còn trẻ, trí nhớ tốt, tức tốc dạy cho họ học thuộc bài kinh ấy! Còn Moggallāna thì vào hoàng cung, gặp đức vua Seniya Bimbisāra, gợi ý là nên hỗ trợ cho Vesāli trong lúc đói kém, khoảng chừng một ngàn xe lương thực; và đức vua cũng nên cử quan đại thần và quân đội đích thân vận chuyển; chuẩn bị xong lúc nào là lên đường ngay lúc ấy; cứu đói như cứu lửa – phước báu sẽ rất lớn; và nhờ thế, tâm đức của đức vua sẽ sáng chói và lan rộng khắp cả châu Diêm-phù-đề! Cũng trình với đức vua là cho Jīvaka Komārabhacca, các trợ lý lương y, nhân viên cùng thuốc men để trị bệnh dịch tả cùng những biến chứng về bao tử, đường ruột…
Đại đức Ānanda (A Nan Đà) làm trọn phận sự của mình, có năm trăm Tỳ-khưu cùng học thuộc lòng. Còn đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa) thì sẵn sàng hoan hỷ đáp ứng gợi ý thích đáng ấy; và còn hơn thế nữa – do mùa màng đất nước này bội thu – nên đã trợ cấp hào sảng hai ngàn xe lương thực để cứu đói. Lại còn rộng lượng cho vay thêm một ngàn tấn lương thực nữa, thời gian trả, không hạn định; lúc nào mùa màng bội thu, phú túc hẵng sẽ trả sau, không lấy lãi!
Thế rồi, đức Phật, mấy chục vị trưởng lão, năm trăm Tỳ-khưu và phái đoàn cứu tế rầm rộ lên đường. Bảy ngày sau, đến sông Gaṅgā, tại thị trấn Pāṭaligama, đức vua đã cho chuẩn bị sẵn năm mươi chiếc thuyền lớn để chở phái đoàn và lương thực. Đang mùa mưa nên nước cuồn cuộn tràn bờ, nhờ thuyền lớn nên xuôi đông nhẹ nhàng; đến ngã ba sông, đoàn thuyền bỏ sông Gaṅgā, theo nhánh sông Gaṇdak(?) tiến lên phương bắc. Hai bên bờ, đồng khô cỏ cháy trông thật tang thương. Càng đến gần Vesāli chừng nào thì thuyền đi càng chậm vì sông cạn, lại lềnh bềnh tử thi và rác rưởi. Mùi xú uế bốc lên nồng nặc. Ròng rã ba ngày, đoàn thuyền khá gian lao, vất vả mới đến được bến nước – giang khẩu vào kinh thành Vesāli!
Khi đức Phật vừa đặt chân lên bờ đông nước cộng hòa Licchavī – thì một trận mưa rất lớn, tối trời tối đất – như tự cổng trời mở ra, xối xả đổ xuống vùng đất đại hạn như đã chờ đợi đâu từ lâu lắm! (Trong kinh lý giải: Tại nhân gian không biết, chứ lúc ấy, thiên chủ Sakka đã huy động Tứ đại thiên vương, thiên binh, thiên tướng, hội chúng rồng, hội chúng dạ-xoa cùng theo hầu đức Phật. Ác thần, ác dạ-xoa sợ hãi trốn đi nơi khác; các thiện thần, thiện dạ-xoa đồng loạt tìm về!) Trận mưa lớn kéo dài nửa ngày, bao nhiêu xú uế tan mất. Nhân dân khắp nơi tràn ra đường, vui mừng hò reo, hát ca, nhảy múa… Các đức vua, hội đồng tướng lãnh, quý tộc đến sụp lạy bên chân đức Phật – nghẹn ngào tri ân, chảy nước mắt, không nói được nên lời! Đức Phật, phái đoàn và ba ngàn xe lương thực vào thành. Dân chúng quỳ lạy hai bên đường…
Tôn giả Mahā Moggallāna (Mục Kiền Liên) nhanh trí, hướng dẫn quan đại thần của đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa) đến bàn tính ngay với giới cấp lãnh đạo kinh thành Vesāli, làm gấp ba việc: Phân phối lương thực, bố trí ngay chừng hai mươi địa điểm, do chiến sĩ phụ trách để cứu đói rộng rãi cho dân chúng. Nhóm chiến sĩ khác cùng với thanh niên tình nguyện rải khắp các nơi, chôn lấp hoặc thiêu đốt tất cả tử thi còn lại. Bố trí một quảng trường và những dãy nhà có mái che, có sạp nằm để phái đoàn lương y do quan trưởng ngự y Jīvaka Komārabhacca dẫn đạo – chữa bệnh cho dân! Thanh niên Saccaka thấy đức Phật như một vị cứu tinh trên trời hiện xuống cứu giúp muôn dân nên huy động cả ngàn con em quý tộc tham gia hăng hái việc này việc kia chung với phái đoàn cứu tế.
Đêm xuống, dưới ánh đuốc chập chờn, đại đức Ānanda dẫn đầu năm trăm Tỳ-khưu đi quanh thành Vesāli ba vòng, tụng bài kinh Ratanasutta suốt đêm không ngủ…
Xin thỉnh chư Thiên ngự trên cõi trời Dục giới cùng Sắc giới; Chư Thiên ngự trên đỉnh núi, núi không liền, hoặc nơi hư không; ngự nơi cồn bãi, đất liền hoặc các châu quận; ngự trên cây cối rừng rậm hoặc ruộng vườn; chư Dạ Xoa, Càn Thát Bà, cùng Long Vương dưới nước trên bờ, hoặc nơi không bằng phẳng gần đây, xin thỉnh hội họp lại đây. Lời này là kim ngôn cao thượng của Ðức CÙ ĐÀM mà chúng tôi tụng đây.
Xin các bậc hiền triết hãy lắng nghe lời này. (3 lần)
Phàm chúng thiên nhân nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Phát sinh lòng hoan hỷ
Chính tâm và thành ý
Lắng nghe lời dạy này
Tất cả chúng thiên nhân
Hãy bi mẫn đồng tâm
Lòng từ luôn rộng mở
Năng chuyên cần gia hộ
Đối với nữ nam nào
Ngày đêm thường bố thí
Phàm những tài sản gì
Đời này hoặc đời sau
Ngọc báu hay trân châu
Có cùng khắp thiên giới
Nhưng chẳng gì sánh nổi
Đức Thiện Thệ Như Lai
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Ly dục, diệt phiền não
Pháp diệu thù bất tử
Phật Thích – ca Mâu-ni
Đắc Tịch tịnh, Vô vi
Trong Thiền, chứng ngộ Pháp
Chẳng pháp nào sánh nổi
Chính Pháp Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Bậc Vô thượng Chính Giác
Hằng ca ngợi Pháp Thiền
Trong sạch, không gián đoạn
Chẳng Thiền nào sánh nổi
Chính Pháp Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Thánh bốn đôi, tám vị
Bậc thiện hằng tán dương
Đệ tử đấng Thiện Thệ
Xứng đáng được cúng dường
Bố thí các vị ấy
Được kết quả vô lượng
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Các ngài tâm kiên cố
Ly dục sống Thánh Đạo
Khéo chân chính thiện hành
Lời Phật Gotama
Chứng đạt được quả vị
Thể nhập đạo Bất Tử
Hưởng tịch tịnh dễ dàng
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Ví như cột trụ đá
Khéo y tựa lòng đất
Dầu gió bão bốn phương
Chẳng thể nào lay động
Ta nói bậc Chân Nhân
Liễu ngộ Tứ thánh đế
Cũng tự tại, bất động
Trước Tám pháp thế gian
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Bậc Thánh Tu-đà-hoàn
Thấy rõ lý Tứ đế
Mà đức Chuyển Pháp Vương
Có trí tuệ thậm thâm
Đã khéo giảng, khéo dạy
Các ngài dù phóng dật
Cũng chẳng thể tái sinh
Nhiều hơn trong bảy kiếp
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Nhờ vững chắc chính kiến
Nhờ kiên cố chính tri
Đoạn lìa ba trói buộc
Là Thân kiến, Hoài nghi
Luôn cả Giới cấm thủ
Ra khỏi bốn đọa xứ
Không tạo sáu trọng nghiệp
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Bậc Thánh Tu-đà-hoàn
Dẫu vô tâm phạm lỗi
Bằng ý, lời hay thân
Chẳng bao giờ khuất lấp
Bởi vì đức tính này
Được gọi là “thấy Pháp”
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Ví như cây trong rừng
Đâm chồi đầu mùa hạ
Cũng vậy, đức Thế Tôn
Thuyết giảng pháp Siêu việt
Pháp đưa đến Niết-bàn
Tối thượng, vô năng thắng
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Đức Phật – bậc Vô thượng
Liễu thông pháp Vô thượng
Ban bố pháp Vô thượng
Chuyển đạt pháp Vô thượng
Chính Phật Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Nghiệp cũ đã chấm dứt
Nghiệp mới không tạo nên
Nhàm chán kiếp lai sinh
Chủng tử dục, diệt tận
Ví như ngọn đèn tắt
Bậc trí chứng Niết-bàn
Chính Tăng Bảo như vậy
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này
Được sống chân hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhân nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đỉnh lễ Phật
Đã như thật xuất hiện
Mà chư thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chân hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhân nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đỉnh lễ Pháp
Đã như thật xuất hiện
Mà chư Thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chân hạnh phúc
Phàm chúng thiên nhân nào
Cư ngụ trên địa cầu
Hoặc hư không trú xứ
Đã vân tập về đây
Xin đồng tâm hoan hỷ
Thành kính đỉnh lễ Tăng
Đã như thật xuất hiện
Mà chư thiên, loài người
Thường cúng dường, tôn trọng
Mong với hạnh lành này
Được sống chân hạnh phúc.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Ôi! Bài kinh với âm giọng của năm trăm vị Tỳ-khưu đồng cất lên suốt đêm trường, thật là trầm hùng khôn tả. Cả không gian rung rinh, chao đảo. Cả đất trời Vesāli như chìm ngập giữa biển âm thanh thẳm sâu, cao diệu… Chư Thiên vân tập đầy đặc cả không gian, thành kính lắng nghe kinh rồi cất lên lời đại nguyện hộ trì Tam Bảo và hộ trì quốc độ – nếu các đức vua và hội đồng tướng lãnh sống theo chánh Pháp.
Ngày hôm sau, rất nhiều người không hiểu chư Tăng đọc mật chú gì mà có uy lực kinh khiếp như vậy? Nó làm cho toàn bộ nhân dân kinh thành phải kính cẩn lắng nghe – tất thảy lo âu, sợ hãi đều tiêu tan – không những trong lòng người mà cả không gian xung quanh cũng cảm giác cả một bầu khí thanh bình và an lạc!
Các vị trưởng lão và các vị A-la-hán có trí, phải giải thích:
– Chẳng phải là huyền chú, mật chú gì đâu – đấy là bài kinh nói lên uy lực của Tam Bảo. Uy lực ấy lại còn được hội tụ bởi uy lực của năm trăm vị Tỳ-khưu đọc tụng – tạo thành năng lực của tăng thượng tâm, có thể tác động toàn bộ nội tâm và ngoại giới đem đến sự bình yên và mát mẻ cho quốc độ này.
Công việc cứu đói, trị bệnh và vệ sinh tẩy uế các nơi kéo dài hơn cả tuần lễ, đâu đó hoàn mãn. Trong thời gian ấy, khi chư Tăng về nghỉ ở Mahāvana thì đức Phật thuyết pháp liên tục tại triều đình – hội chúng gồm các đức vua, tướng lãnh, quý tộc, các quan đại thần, trí thức, nhân sĩ, phú hộ, thương gia… tai mắt: Cộng hòa Licchavī, thủ đô là Vesāli; cộng hòa Videha, thủ đô là Mithilā; năm sáu bộ tộc nhỏ liên minh thành liên bang Vajjī… Đức Phật nhấn mạnh về trị quốc an dân, lực lượng võ bị tuy cần thiết nhưng vẫn là thứ yếu; sự thương yêu, đoàn kết để sống trong thiện pháp mới là yếu tố quyết định. Đức Phật triển khai một số thời pháp liên hệ đến chư thiên, phi nhơn ở trong thế giới xung quanh – phải sống làm sao để họ cùng hoan hỷ!
Thấm đẫm về hương vị của chánh Pháp và thấy rõ oai lực của đức Phật, của hội chúng giáo đoàn – đã giải tan tức khắc ba thảm nạn; họ xin quy giáo rất nhiều và hứa cải cách việc bầu cử chọn lựa các đức vua đức độ, các quý tộc võ tướng hiền tài điều hành và lãnh đạo các nơi… Mấy ngày sau, hội đồng đại biểu nhân dân được triệu tập bằng ba hồi trống, một trong ba quốc vương được ủy nhiệm chủ tọa hội đồng và tổ chức cuộc bầu bán bằng cách đề cử công khai. Chương trình cải cách và những biện pháp thực thi dựa theo chánh Pháp được đa phần đại biểu chấp thuận. Đề cương chính sách được thảo luận đã thuyết phục được nhiều người rồi được thực hiện nghiêm túc và nhanh chóng. Vậy là ngay tại Licchavī, mười bốn ngàn võ tướng được chọn lựa để điều hành chừng hai trăm năm mươi ngàn cư dân! Đạo đức của ba quốc vương được đề cao, tán dương; hội đồng tướng lãnh được khen ngợi về khả năng và ý thức trách nhiệm cải thiện đất nước… Từ đó về sau, các nước này bắt đầu thịnh cường, yên ổn trở lại. Các quý tộc Licchavī bắt đầu sống đời giản dị, khiêm tốn – thương dân như anh em! Các vị tướng trẻ không còn hống hách, ăn chơi, ngã mạn – đôi khi họ chỉ ngủ trên nệm cỏ, với võ khí sẵn sàng bên người, có thể vùng dậy bất cứ lúc nào để chăm lo an ninh cho nhân dân!
Đức Phật ở lại Vesāli nửa tháng thì dân chúng đã hùn góp, chung tay, chung lực làm xong một công trình lớn: Ngôi Nhà Nóc Nhọn tại Mahāvana để cúng dường lên thập phương Tăng. Hội đồng tướng lãnh, nhân dân và cư sĩ hai hàng thỉnh nguyện đức “Cứu-khổ-cứu-nạn” ở lại; thế nhưng, khi thấy tình hình đã trở nên sáng sủa, tốt đẹp – đức Phật và hội chúng từ giã, trở lại Rājagaha…
“Ôi! Cuộc chuyển hóa của đức Tôn Sư thật là vĩ đại” – Các vị trưởng lão đồng khởi lên một ý nghĩ giống nhau như thế!
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
(Quỳ gối chắp tay phát nguyện ba lần)
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Con xin nguyện cùng các Phật tử trong câu lạc bộ Cúc Vàng Tập Tu Lục Hoà phát nguyện thực hành công hạnh:
PHÁT TÂM BỒ ĐỀ
HỘ TRÌ TAM BẢO
CHUYỂN TẢI PHẬT PHÁP
RỘNG KHẮP THẾ GIAN.
Chúng con nguyện hồi hướng cho Chính Pháp của Phật được tuyên dương, được hưng thịnh. (3 lần)

2. Kinh Dược Sư (trích lược)
(Pháp khí: Khánh chuông)

Chí tâm đỉnh lễ: Nam mô tận hư không biến pháp giới quá, hiện, vị lai thập phương chư Phật, Tôn Pháp, Hiền Thánh Tăng thường trụ Tam Bảo. (1 lễ)

XƯNG DƯƠNG NHƯ LAI HIỆU

Nam mô Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

NHẤT THIẾT CUNG KÍNH NHẤT TÂM KÍNH LỄ

Chí tâm đỉnh lễ: Phật Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương ở cõi Quang Thắng phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Bảo Nguyệt Trí Nghiêm Quang Âm Tự Tại Vương ở cõi Diệu Bảo phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hạnh Thành Tựu ở cõi Viên Mãn Hương Tích phương Đông, cùng chư Phật khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường ở cõi Vô Ưu phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Pháp Hải Lôi Âm ở cõi Pháp Tràng phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông ở cõi Thiện Trụ Bảo Hải phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Phật Dược Sư Lưu Ly Quang ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Phật ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Kinh Bản Nguyện Công Đức của Phật Dược Sư và chú Quán Đỉnh cùng Tôn Pháp ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Bồ tát ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Bồ tát Nguyệt Quang Biến Chiếu ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng chư Bồ tát ở khắp Pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đỉnh lễ: Thánh chúng trong Hải hội Thanh tịnh ở cõi Tịnh Lưu Ly phương Đông, cùng Thánh chúng ở khắp Pháp giới. (1 lễ)

TÁN THÁN MƯỜI HAI NGUYỆN CỦA ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ LƯU LY 

Nguyện thứ nhất: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Chính Đẳng Chính Giác, thân Ta có hào quang sáng suốt, rực rỡ chiếu khắp vô lượng, vô số, vô biên thế giới, khiến cho tất cả chúng hữu tình đều có đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu, cùng tám chục món tùy hình trang nghiêm như thân của Ta vậy. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thân Ta như ngọc lưu ly, trong ngoài sáng suốt, tinh sạch hoàn toàn, không có chút nhơ bợn, ánh quang minh chói lọi khắp nơi, công đức cao vòi vọi và an trú giữa từng lưới dệt bằng tia sáng, tỏ hơn vầng nhật nguyệt. Chúng sinh trong cõi u minh đều nhờ ánh sáng ấy mà tâm trí được mở mang và tùy ý muốn đi đến chỗ nào để làm các sự nghiệp gì cũng đều được cả. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ ba: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, dùng trí tuệ phương tiện vô lượng vô biên độ cho chúng hữu tình, khiến ai nấy đều có đủ các vật dụng, chứ không cho ai phải chịu sự thiếu thốn. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ tư: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình tu theo tà đạo, thì Ta khiến họ quay về an trụ trong đạo Bồ Đề, hoặc có những người tu hành theo hạnh Thanh Văn, Độc Giác, thì Ta cũng lấy phép đại thừa mà dạy bảo cho họ. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ năm: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nhiều vô lượng, vô biên ở trong giáo pháp của Ta mà tu hành theo hạnh thanh tịnh thì Ta khiến cho tất cả đều giữ được giới pháp hoàn toàn đầy đủ cả tam tụ tịnh giới. Giả sử có người nào bị tội hủy phạm giới pháp mà khi đã nghe được danh hiệu Ta thì trở lại được thanh tịnh, khỏi sa vào đường ác. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ sáu: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào thân hình hèn hạ, các căn không đủ, xấu xa, khờ khạo, tai điếc, mắt đui, nói năng ngọng lịu, tay chân tật nguyền, lác hủi, điên cuồng, chịu tất cả những bệnh khổ ấy mà khi đã nghe danh hiệu Ta thì liền được thân hình đoan chính, tâm tính khôn ngoan, các căn đầy đủ, không còn những bệnh khổ ấy nữa. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ bảy: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị những chứng bệnh hiểm nghèo không ai cứu chữa, không ai để nương nhờ, không gặp thầy, không gặp thuốc, không bà con, không nhà cửa, chịu nhiều nỗi nghèo hèn khốn khổ, mà nếu danh hiệu Ta đã nghe lọt vào tai một lần thì tất cả bệnh hoạn khổ não đều tiêu trừ, thân tâm an lạc, gia quyến sum vầy, của cải sung túc, cho đến chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ tám: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có những phụ nữ nào bị trăm điều hèn hạ khổ sở của thân gái làm cho buồn rầu, bực tức, sinh tâm nhàm chán, muốn bỏ thân ấy, mà nếu nghe danh hiệu Ta rồi thì tất cả đều được chuyển thân gái thành thân trai, có đủ hình tướng trượng phu, cho đến chứng được đạo quả Vô Thượng Bồ Đề. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ chín: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, thì khiến cho chúng hữu tình ra khỏi vòng lưới ma nghiệp, được giải thoát tất cả sự ràng buộc của ngoại đạo. Nếu có những kẻ sa vào rừng ác kiến, Ta nhiếp dẫn họ trở về với chính kiến và dần dần họ tu tập theo các hạnh Bồ tát được mau chứng đạo chính đẳng Bồ Đề. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ mười: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào mà pháp luật nhà Vua gia tội phải bị xiềng xích, đánh đập, hoặc bị giam giữ trong chốn lao tù, hoặc bị chém giết, hoặc bị nhiều tai nạn nhục nhã, thân tâm chịu những nỗi khổ, buồn rầu, bứt rứt, nếu nghe đến danh hiệu Ta, thì nhờ sức oai thần phước đức của Ta đều được giải thoát tất cả những nỗi ưu khổ ấy. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ mười một: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào bị sự đói khát hoành hành, đến nỗi vì tạo miếng ăn phải tạo các nghiệp dữ, mà nếu nghe danh hiệu Ta rồi chuyên niệm thọ trì thì trước hết Ta dùng các món ăn uống ngon lạ ban bố cho thân họ được no đủ và sau Ta mới đem Pháp vị nhiệm mầu kiến lập cho họ cái cảnh giới an lạc hoàn toàn. (1 tiếng chuông)
Nguyện thứ mười hai: Ta nguyện đời sau, khi chứng được đạo Bồ Đề, nếu có chúng hữu tình nào nghèo đến nỗi không có áo che thân, bị muỗi mòng cắn đốt, nóng lạnh dãi dầu, ngày đêm khổ bức, nếu nghe đến danh hiệu Ta mà chuyên niệm thọ trì thì Ta sẽ khiến cho được như ý muốn: Nào các thứ y phục tốt đẹp, nào các bảo vật trang nghiêm, nào tràng hoa, phấn sáp bát ngát mùi thơm và trống nhạc cùng những điệu ca múa tùy tâm muốn thưởng thức món nào cũng được thỏa mãn cả. (1 tiếng chuông)

Dược Sư Thần Chú:
Nam mô Bạt già bạt đế. Bệ sát xả, lũ rô thích lưu ly. Bát lặt bà, hắt ra xà giả. Đát tha yết đa ra, a ra ha đế, tam miệu tam bột đà da, Đát điệt tha. Án, Bệ sát thệ, Bệ sát thệ, Bệ sát xả, Tam một yết đế tóa ha.
(7 lần, lần sau cùng 3 tiếng chuông)

TÁN THÁN PHÁP HỘI DƯỢC SƯ
Hải hội Dược Sư,
Sáng rực thần quang,
Tám vị Bồ tát giáng cát tường,
Bảy vị Phật tuyên dương.
Nhật nguyệt hồi quang,
Ban phúc thọ an khang,
Giải kết, giải kết, giải oan kết,
Nghiệp chướng bao đời đều giải hết,
Rửa sạch lòng trần, phát tâm thành,
Đối trước Phật đài, cầu giải kết.
Dược Sư Phật, Dược Sư Phật.
Tiêu tai Diên Thọ Dược Sư Phật,
Tùy tâm mãn nguyện Dược Sư Phật.

BÀI NIỆM PHẬT
Mười hai nguyện lớn, giáo chủ Đông phương.
Bốn chín đèn soi sáng đàn trường.
Bảy bảy đức chân thường, lễ bái tán dương.
Hết tai nạn được thọ trường.
Nam mô Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật. (30 lần)
Nam mô Nhật Quang Biến Chiếu Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Nguyệt Quang Biến Chiếu Bồ Tát. (3 lần)
Nam mô Thanh Tịnh Đại Hải Chúng Bồ Tát. (3 lần)

PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN

Đệ tử chúng con tuỳ thuận tu tập mười nguyện lớn của đức Phổ Hiền Bồ Tát:
Một là kính lễ chư Phật.
Hai là xưng tán Như Lai.
Ba là rộng tu cúng dường.
Bốn là sám hối nghiệp chướng.
Năm là tùy hỷ công đức.
Sáu là thỉnh Phật chuyển pháp.
Bảy là thỉnh Phật trụ thế.
Tám là thường theo học Phật.
Chín là hằng thuận chúng sinh.
Mười là hồi hướng khắp tất cả.
(Cúng thực: Quỳ gối chắp tay khấn)

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con kính bạch chư Phật, chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh, chư Hộ Pháp, chư Thiên, chư Thần Linh chứng giám, chư vong linh hoan hỷ, hôm nay gia đình chúng con thành tâm nương đức chư Tăng chùa Ba Vàng, tu tập theo đàn lễ Dược Sư, chúng con xin có bát cơm chén nước lòng thành dâng lên cúng dường:
Thượng: Chúng con xin dâng lên cúng dường thập phương chư Phật chứng minh.
Trung: Chúng con xin cúng dâng lên chư Bồ tát, chư Hiền Thánh Tăng chứng minh.
Hạ: Chúng con xin cúng dường cho chư Thiên, chư Thần Linh, Thổ Địa tại nơi đây.
Sau: Chúng con xin được nương oai lực Phật, hiến cúng cho tất cả các vong linh đã thỉnh mời. Nguyện cho các vong linh được nương sự bố thí trong đàn lễ cúng này của con mà được thọ thực no đủ.
(Đọc Biến thủy, Biến thực)
Chú biến thực: Nam mô tát phạ đát tha, nga đá phả rô chỉ đế, ám tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7 lần)
Chú biến thủy: Nam mô tô rô bà ra, đát tha nga đá ra, đát điệt tha, án tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô sa bà ha. (7 lần)
Phổ cúng dường: Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhật ra hồng. (7 lần)

PHỤC NGUYỆN

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con xin hồi hướng công đức tu Bát quan trai 1 ngày 1 đêm về Vô Thượng Bồ đề và hồi hướng cho công cuộc phòng, chống dịch virus Corona; cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhân viên y tế và tất cả những ai đang nỗ lực trong công cuộc phòng ngừa, khống chế và dập tắt dịch virus Corona tại Việt Nam cũng như trên thế giới; hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân đang điều trị có thêm năng lượng trợ duyên tích cực cho việc điều trị bệnh; hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân quá vãng sớm được sinh về cảnh giới an lành; mong cho nạn nghiệp bệnh virus Corona sớm được hoá giải, nguyện cho tất cả gia đình con không bị nhiễm bệnh này và tất cả chúng sinh thoát khỏi nạn nghiệp này. Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành đến cho (tên, việc mà mình mong cầu)……  Chúng con cũng nguyện cầu cho tất cả các chúng chư Thiên, chư Thần Linh, chư vong linh đã về trong pháp hội được tăng trưởng phúc lành, được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật.
Nam mô Thường Gia Hộ Bồ Tát Ma Ha Tát!

HỒI HƯỚNG

Tụng kinh công đức có bao nhiêu,
Con xin lấy đó hồi hướng về,
Nguyện khắp pháp giới các chúng sinh
Thảy đều thể nhập vô sinh nhẫn.
Nguyện tiêu ba chướng sạch phiền não,
Nguyện được trí tuệ thật sáng ngời,
Nguyện các tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành Bồ tát đạo.
Nguyện đem công đức tu hành này,
Chan rải mười phương khắp tất cả,
Hết thảy chúng con cùng các loài,
Đồng được lên ngôi Vô Thượng giác.

TAM TỰ QUY
(Pháp khí: khánh, chuông)
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 tiếng chuông)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 tiếng chuông)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (3 tiếng chuông)

* Trưa:

Thọ trai

* Chiều:

Lễ Phật, ngồi thiền
Nghe Pháp

* Tối: 

Sám hối chuyển hóa, tụng kinh Tam Bảo

(Cắm hương xong, chắp tay đọc)

NGUYỆN HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tính làm lành
Cùng pháp giới chúng sinh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Chí tu đạo vững bền
Xa biển khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ Tát Ma Ha Tát!

VĂN KHẤN
Nam mô thập phương pháp giới thường trụ Tam Bảo tác đại chứng minh! Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!
Đệ tử con tên là: ……… Pháp danh: ……… đại diện cho toàn thể gia đình hiện đang ở tại: ……… Hôm nay là ngày… tháng… năm…
Nhân duyên hiện nay đã xuất hiện dịch bệnh virus Corona có khả năng lan tràn rất cao, mà thế giới chưa có thuốc để chữa trị, chúng con được biết nghiệp này có nhân từ những hành vi không thiện lành của chúng sinh gây ra, trong đó có nạn phá diệt Tam Bảo, huỷ hoại Phật Pháp, đệ tử con xin phát nguyện tu tập theo sự hướng dẫn của CLB Cúc Vàng là tụng kinh Tam Bảo 49 ngày và làm các việc phúc (đọc phát nguyện các việc làm của mình)… để hộ trì Tam Bảo, nguyện cho Chính Pháp của Phật được tuyên dương và hồi hướng cho nạn nghiệp bệnh virus Corona được hoá giải. Chúng con xin sám hối theo bài sám chuyển hóa và tụng bài kinh Tam Bảo. Nam mô Chứng Minh Sư Bồ Tát Ma Ha Tát!

LỄ TÁN PHẬT
Đại từ đại bi thương chúng sinh,
Đại hỷ đại xả cứu hàm thức,
Tướng đẹp sáng ngời dùng trang nghiêm.
Chúng con chí tâm thành đảnh lễ.
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả chư Phật ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Chính Pháp ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)
Chí tâm đảnh lễ: Tất cả Tăng bậc Hiền Thánh ba đời, tột hư không khắp pháp giới. (1 lễ)

TÁN PHÁP
Pháp Phật sâu mầu chẳng gì hơn,
Trăm ngàn muôn kiếp khó được gặp.
Nay con nghe thấy vâng gìn giữ,
Nguyện hiểu nghĩa chân đức Thế Tôn.
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! (3 lần)

SÁM HỐI CHUYỂN HÓA

(quỳ, pháp khí khánh)

Trang nghiêm đài sen ngự tọa
Đại hùng từ phụ Thích Ca
Đệ tử lắng lòng thanh tịnh
Bàn tay chắp thành liên hoa
Cung kính hướng về Điều Ngự
Dâng lời sám nguyện thiết tha

Đệ tử phước duyên thiếu kém
Sống trong thất niệm lâu dài
Không được sớm gặp Chánh Pháp
Bao nhiêu phiền lụy đã gây
Bao nhiêu lỡ lầm vụng dại
Vô minh che lấp tháng ngày

Vườn tâm gieo hạt giống xấu
Tham, sân, tự ái dẫy đầy
Những nghiệp sát, đạo, dâm, vọng
Gây nên từ trước đến nay.
Những điều đã làm, đã nói
Thường gây đổ vỡ hàng ngày.
Bao nhiêu não phiền nghiệp chướng
Nguyện xin sám hối từ đây.

Đệ tử thấy mình nông nổi
Con đường chánh niệm lãng xao
Chất chứa vô minh phiền não
Tạo nên bao nỗi hận sầu;
Có lúc tâm tư buồn chán
Mang đầy dằn vặt lo âu,
Vì không hiểu được kẻ khác
Cho nên hờn giận, oán cừu;

Lý luận xong rồi trách móc
Mỗi ngày mỗi chuốc khổ đau
Chia cách hố kia càng rộng
Có ngày không nói với nhau
Cũng không muốn nhìn thấy mặt
Gây nên nội kết dài lâu;
Nay con hướng về Tam Bảo
Ăn năn khẩn thiết cúi đầu.

Đệ tử biết trong tâm thức
Bao nhiêu hạt tốt lấp vùi
Hạt giống thương yêu, hiểu biết
Và bao hạt giống an vui.
Nhưng vì chưa biết tưới tẩm
Hạt lành không mọc tốt tươi
Cứ để khổ đau tràn lấp
Làm cho đen tối cuộc đời

Quen lối bỏ hình bắt bóng
Đuổi theo hạnh phúc xa vời.
Tâm cứ bận về quá khứ
Hoặc lo rong ruổi tương lai
Quanh quẩn trong vòng buồn giận
Xem thường bảo vật trong tay
Dày đạp lên trên hạnh phúc
Tháng năm sầu khổ miệt mài
Giờ đây trầm xông bảo điện
Con nguyện sám hối đổi thay.

Đệ tử tâm thành quy ngưỡng
Hướng về chư Phật mười phương
Cùng với các vị Bồ Tát
Thanh văn, Duyên giác, Thánh hiền.

Chí thành cầu xin sám hối
Bao nhiêu lầm lỡ triền miên
Xin lấy cam lồ tịnh thủy
Tưới lên dập tắt não phiền.
Xin lấy con thuyền Chánh Pháp
Đưa con vượt nẻo oan khiên.
Xin nguyện sống đời tỉnh thức
Học theo đạo lý chơn truyền.
Thực tập nụ cười hơi thở
Sống đời chánh niệm tinh chuyên.

Đệ tử xin nguyện trở lại
Sống trong hiện tại nhiệm mầu
Vườn tâm ươm hạt giống tốt
Vun trồng hiểu biết, thương yêu.
Xin nguyện học phép quán chiếu
Tập nhìn tập hiểu thật sâu

Thấy được tự tánh các pháp
Thoát ngoài sinh tử trần lao.
Nguyện học nói lời ái ngữ
Thương yêu, chăm sóc sớm chiều
Đem nguồn vui tới mọi nẻo
Giúp người vơi nỗi sầu đau
Đền đáp công ơn cha mẹ
Ơn thầy nghĩa bạn dày sâu.
Tín thành tâm hương một nén
Đài sen con nguyện hồi đầu.

Nguyện đức từ bi che chở
Trên con đường đạo nhiệm mầu
Nguyện xin chuyên cần tu tập
Vuông tròn đạo quả về sau

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát
Nam mô Cầu Sám Hối Chư Phật
Nam mô Cầu Sám Hối Phật Đà.

(Ngồi đọc bài kinh Vesali Thiên Tai Dịch Họa - Xem bài kinh ở phần trên)

PHỤC NGUYỆN
Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni! Chúng con xin hồi hướng công đức tu Bát quan trai 1 ngày 1 đêm về Vô Thượng Bồ đề và hồi hướng cho công cuộc phòng, chống dịch virus Corona; cho các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhân viên y tế và tất cả những ai đang nỗ lực trong công cuộc phòng ngừa, khống chế và dập tắt dịch virus Corona tại Việt Nam cũng như trên thế giới; hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân đang điều trị có thêm năng lượng trợ duyên tích cực cho việc điều trị bệnh; hồi hướng cho tất cả những bệnh nhân quá vãng sớm được sinh về cảnh giới an lành; mong cho nạn nghiệp bệnh virus Corona sớm được hoá giải, nguyện cho tất cả gia đình con không bị nhiễm bệnh này và tất cả chúng sinh thoát khỏi nạn nghiệp này. Chúng con cũng xin hồi hướng phúc lành đến cho (tên, việc mà mình mong cầu)……  Chúng con cũng nguyện cầu cho tất cả các chúng chư Thiên, chư Thần Linh, chư vong linh đã về trong pháp hội được tăng trưởng phúc lành, được kết duyên pháp lữ với chúng con, đời đời kiếp kiếp trợ duyên cho nhau tu hành cho tới ngày thành Phật.
Nam mô Thường Gia Hộ Bồ Tát Ma Ha Tát!

TAM TỰ QUY Y
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu thấu đạo lớn, phát tâm Vô Thượng. (1 lễ)
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thâm nhập kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 lễ)
Tự quy y Tăng, nguyện cho chúng sinh, quản lý đại chúng, hết thảy không ngại. (1 lễ)

Các bài nên xem:

-
aa
+
6,979 lượt xem
25/02/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ