Leo núi Bồ đề tụng kinh đầu năm là chương trình tu tập thường kỳ của Phật tử CLB Cúc Vàng chùa Ba Vàng vào ngày 09/01 âm lịch hàng năm dưới sự hướng dẫn của Cô Chủ nhiệm Phạm Thị Yến.
Ngày tu tập leo núi năm Nhâm Dần vừa qua đã diễn ra rất xúc động và lợi lạc. Từng hàng Phật tử lặng lẽ thiền hành từ lúc trời còn chưa sáng dưới thời tiết giá rét mưa phùn; đã cùng nhau tu tập, cùng nhau hoan hỷ, cùng trợ duyên cho nhau thành tựu và nhận được những cảm xúc đặc biệt. Kính mời quý vị cùng tìm hiểu những điều đặc biệt đó qua bài viết dưới đây.

Mục lục [Hiển thị]
Háo hức, bất ngờ, quyết tâm,… những cảm xúc đặc biệt trước khi leo núi
Trước chương trình tu tập đặc biệt một năm mới có một lần, chắc hẳn mỗi Phật tử là mỗi cảm xúc khác nhau. Trong đó, có sự háo hức mong chờ, hoan hỷ hạnh phúc và cả những bất ngờ,… trước khi chương trình diễn ra.
Nhiều Phật tử háo hức được tham gia chương trình đến mức thao thức, dậy từ rất sớm. Phật tử Nguyễn Thị Hà (Tiên Du, Bắc Ninh) – đang sinh hoạt tại đạo tràng Minh Phổ Thanh Sơn chia sẻ: “Núi Bồ đề chùa Ba Vàng được coi là một địa điểm rất linh thiêng, việc được tu tập kết hợp với thực hành thiền hành đến một địa điểm linh thiêng như vậy khiến mình rất mong chờ. Quá háo hức nên đêm hôm đó mình khá thao thức. 5h sáng bắt đầu leo núi thì 3h mình đã tỉnh giấc một lần, 4h kém lại tỉnh lần nữa mặc dù đã đặt chuông báo thức lúc 4h30”.
Phật tử Nguyễn Thị Thanh Phượng (pháp danh Tâm Phúc, đạo tràng Minh Long Đông Anh) cũng chia sẻ về cảm xúc trước khi đi leo núi: “Tôi ra sân chính điện khá sớm, thực sự bất ngờ vì đã thấy rất đông Phật tử tập trung ở đó. Chắc hẳn mọi người cũng mong chờ được leo núi như tôi. Thấy được điều đó, tôi không còn để tâm đến cơn mưa, không còn cảm thấy lạnh nữa, giống như là được tiếp thêm sức mạnh của đại chúng lục hòa. Tôi rất hoan hỷ”.
Không chỉ vậy, được sự hướng dẫn của Cô Chủ nhiệm, nhiều Phật tử cũng đặt ra quyết tâm tu tập trong buổi leo núi hành thiền này. Phật tử Phạm Thị Phượng, pháp danh Phượng Hạnh Hảo (đạo tràng Trúc Hưng Văn Giang) chia sẻ: “Cô Chủ nhiệm chia sẻ rằng xây dựng Đại Bảo Tháp là trăn trở của Sư Phụ với tâm nguyện Phật Pháp sẽ lưu lại ở thế gian lâu dài, có thể lưu lại những dấu tích để thế hệ sau biết đến Phật Pháp, làm lợi ích cho chúng sinh. Được nghe như vậy và cũng được sự hướng dẫn của Cô, tôi đặt ra cho mình quyết tâm sẽ nhất niệm chú tâm, cố gắng đi hành thiền thật thành tựu để mong cầu Đại Bảo Tháp được xây dựng hoàn thiện, Xá Lợi Phật và những quyển kinh quý sẽ được thờ ở đó”.

Tu tập tỉnh giác: leo núi cao mà không mệt, tăng trưởng chú tâm, trí tuệ sáng suốt
Phần đông Phật tử tham gia chương trình leo núi đều rất bất ngờ khi mình liên tục bước các bậc thang lên núi mà không hề thấy mệt. Việc này là nhờ Pháp thiền hành tỉnh giác trên thân hành niệm và có được sự tỉnh thức, tỉnh giác trên thân, khẩu, ý của mình trong từng bước đi.
Phật tử được Cô Chủ nhiệm hướng dẫn thực hành “Tam bộ nhất bái”, tức là bước ba bước thì xá một xá. Khi bước đi như vậy, phải nhận biết rõ chân nào bước, chân trái hay chân phải; biết rõ từng hành vi xá xuống của mình, từng sự chuyển động trên thân khi chúng ta đứng lên,… Thực hành như vậy sẽ rất ít xuất hiện vọng tưởng, nếu vọng tưởng đến thì buông và tiếp tục hành trình. Phương pháp này giúp tăng trưởng sự chú tâm cho các Phật tử, trí tuệ sẽ được sáng suốt.

Phật tử Nguyễn Thị Kim Thoa (Pháp danh Diệu Tâm Liên) là một Phật tử xa xứ đang sinh sống tại Đức may mắn được về chùa tham gia leo núi tỉnh giác. Cô hoan hỷ chia sẻ: “Tôi là một người rất nhiều vọng tưởng, không có sự tập trung trong bất kỳ công việc gì. Tôi đã từng lái xe lạc đến 40km mới biết mình đi lạc. Bình thường ngồi thiền nhưng đầu óc nghĩ ngợi khắp nơi, tôi không nhận ra vọng tưởng để trừ bỏ.
Vậy mà thiền hành tỉnh giác lên núi theo hướng dẫn của Cô Chủ nhiệm, tôi rất hoan hỷ vì thấy sự chú tâm của mình rất cao, khi có vọng tưởng tôi quay lại chú tâm vào từng bước chân được ngay. Cả đoạn đường leo núi dài, tôi không hề cảm thấy mệt, thấy đoạn đường sao mà ngắn, tôi có cảm giác mình có thể thiền hành được như vậy 10 lần nữa. Nhưng lúc xuống, do không còn thực hành tỉnh giác, tôi bắt đầu thấy mệt mỏi hơn, thấy đoạn đường như dài ra”.


Phật tử Phạm Thị Phượng (Trúc Hưng Văn Giang) chia sẻ về sự chú tâm của mình: “Khi kết thúc thiền hành, tôi phát hiện ra rằng mình chú tâm đến mức không nghe thấy tiếng sột soạt của áo mưa khi các đạo hữu di chuyển. Tôi cố gắng chú niệm vào từng bước chân, không nhìn lên phía trước nhưng cũng không bị va vào cây cối, không vấp vào đá, không thấy mệt,… Mặc dù tôi là người ít vận động, đi bộ một chút đã thở dốc, tôi cũng là người hay vọng tưởng trong cuộc sống. Buổi thiền hành thật lợi ích”.

Sự xúc động đặc biệt khi tu tập trên núi
Đến đỉnh núi nơi có cây Bồ đề do chư Thiên trồng và là nơi sẽ xây dựng Đại Bảo Tháp, các Phật tử được nghe Cô Chủ nhiệm chia sẻ về nhân duyên cây Bồ đề xuất hiện, tụng kinh “Kinh Tạo Tháp Công Đức”, được Cô trạch nghĩa bài kinh để hiểu về công đức vô lượng của việc xây dựng tháp thờ, ngồi thiền, nhiễu quanh cây Bồ đề,… Đây đều là những việc thiện lành mang lại lợi ích cho Phật tử.


Phật tử Phạm Thị Phượng (Trúc Hưng Văn Giang): “Buổi tu tập thật hạnh phúc. Khi đi nhiễu quanh cây Bồ đề để sau đó xuống núi, tôi đã khóc. Tôi nghĩ đến ân đức lớn lao của Đức Phật, của Sư Phụ; nghĩ đến trí tuệ của Cô Chủ nhiệm đã giúp tôi có được buổi tu tập rất lợi ích; cảm xúc của tôi lúc ấy không thể diễn tả được thành lời, không một từ ngữ nào diễn tả được sự kính trọng Đức Phật, Sư Phụ và Cô Chủ nhiệm trong tôi”.

Đó là những cảm xúc rất lắng đọng, rất an lạc, hạnh phúc mà Phật tử CLB Cúc Vàng có được trong chương trình Leo núi tỉnh giác. Không chỉ vậy, qua việc thiền hành và tu tập, phước báu đã được phát sinh đến các Phật tử. Các Phật tử không đủ duyên về chùa cũng cố gắng thực hành theo chương trình trực tuyến để tích lũy phước báu cho mình.
Đó là tinh thần tu tập tinh tấn của Phật tử CLB Cúc Vàng. Chúc các quý Phật tử ngày càng tinh tấn hơn nữa trên con đường tu nhân học Phật của mình.
Các bài nên xem:
- Bài 2: Thiền hành – Vọng tưởng | Tu tập tại rừng lần 1
- Bài 10: Thiền hành: Khởi tưởng “đi chân đất giống chư Tăng” | Tu tập tại rừng lần 2
- 3 phương pháp hành thiền giúp Phật tử bước đầu cảm nhận giây phút giải thoát trong đêm kỷ niệm Đức Phật thành đạo
- Giải đáp thắc mắc khi ngồi thiền và thiền hành
- Thực tập tỉnh thức thế nào để luôn có được hành động mang lại nhân quả tốt đẹp?
Bình luận (2)
Phạm Thị Mười
A Di Đà Phật! Thật hạnh phúc quá ạ. Con mong ước năm tới có duyên đc về ngôi nhà lớn tham gia chương trình leo núi tỉnh giác ạ. Con không biết phải đăng ký ntn để có thể tham gia đc ạ? Con mong Cô chỉ dẫn ạ. Con cảm ơn Cô ạ!
Trang Trịnh
Câu lạc bộ Cúc Vàng thường tổ chức chương trình leo núi tỉnh giác vào sáng sớm ngày mùng 9 âm của tháng Giêng. Nếu bạn muốn tham gia thì bạn đăng ký với đạo tràng bạn đang sinh hoạt nhé!