Nhận diện chính mình và từng ngày "chiến đấu" với tâm niệm vô ơn

Những tâm niệm của một người con vô ơn

Trước đây, mình luôn cho rằng: Mình được sinh ra trên đời này là một điều hiển nhiên. Bố mẹ sinh ra mình thì phải có trách nhiệm cho mình ăn học, phải đi làm kiếm tiền để nuôi mình; mình muốn gì thì bố mẹ phải là người phục vụ tất cả nhu cầu đó của mình, từ quần áo, đồ dùng, ăn uống,... cho đến tất cả mọi thứ trong đời sống. Bố mẹ phải có trách nhiệm quan tâm đến mình, phải hiểu mình đang nghĩ gì. Cho đến khi mình đi lấy chồng, nếu có khó khăn gì thì mẹ phải nghe mình giãi bày tâm sự; khi cãi nhau với chồng thì gọi mẹ để xả tức,...
Và còn vô vàn tâm niệm khác nữa mà trước đây mình luôn nghĩ đó là điều hiển nhiên trong cuộc đời này mà cha mẹ phải đáp ứng cho mình. Nhưng mình sai rồi!

Nhận diện ra những tâm niệm vô ơn

Kể từ khi biết đến đạo Phật, thông qua những bài giảng của Sư Phụ cùng những lời trạch giảng chi tiết của Cô Phạm Thị Yến về tâm niệm biết ơn - đền ơn, mình mới ngộ ra rằng, đó chính là tâm niệm của một con người vô ơn. Và tâm niệm đó ẩn sâu trong con người mình mà chính bản thân mình cũng không hề biết.
Cô Phạm Thị Yến từng nói rằng: "Khi con nghĩ về bố mẹ mình, con đừng nghĩ bố mẹ mình phải cho mình điều gì, phải cho mình tiền tài, phải cho mình một tấm gương. Người con nào mà thường mong cầu ở bố mẹ mình là sinh mình ra phải cho mình tiền tài, phải nuôi sống mình, phải cho mình một sự nghiệp thì đó là một người con ích kỷ. Mình sống được giây phút nào là do những người đã nuôi dưỡng mình".
Quả thật, hiện tại kiếp này, từng giọt máu chảy trong người mình, từng mạch đập của mình, từng hơi thở của mình,... cũng đều từ bố mẹ mà hiện hữu. Và nếu không có sự chăm sóc, trưởng dưỡng của bố mẹ, mình cũng không dám chắc giờ phút này mình có còn tồn tại ở nơi đây, có còn được duyên lành biết đến Phật Pháp hay không… Đúng là từng lời Cô chỉ dạy khiến cho lòng mình bừng tỉnh.
Ấy thế mà trước đó, mình cứ nghĩ rằng, chỉ cần mình chủ động trong công việc nhà, mình tự giác học tập, không để cho bố mẹ phải nhắc nhở thì đó đã là có hiếu. Nhưng hóa ra hồi đó, mình đã tự ngộ nhận về mình rồi, chứ thực chất khái niệm một người con có hiếu, mình hoàn toàn không hiểu. Cho đến khi...
Thời gian đầu mới biết đến Phật Pháp, mình thường nghe kinh Mục Liên Sám Pháp, trong đó có đoạn nói về việc trước khi Ngài Mục Kiền Liên đi tu có tên là La Bốc đã cứu mẹ là bà Thanh Đề.... Khi đó, mình khởi lên một ý nghĩ là sẽ tu Phật Pháp để cho mẹ mình được vào nơi Tam Bảo, được tu học Phật Pháp như mình để được thoát khổ. Cũng từ ý niệm đó mà mình quyết định đi tu tập.

Từng ngày "chiến đấu" với tâm niệm vô ơn, nhưng thật hạnh phúc vì có Cô bên cạnh!

Thế nhưng, khi vào tu tập rồi mới biết, mình phải "chiến đấu chật vật" với chính những tâm niệm vô ơn của mình như thế nào. Nhưng hạnh phúc thay, mình được thân cận với Cô Yến, được Cô tận tụy chỉ bảo mình từng chút một. Mình nghĩ rằng, chắc chưa ai được Cô chỉ dạy về tâm biết ơn nhiều như mình, vì mình có quá nhiều duyên "vô ơn" để được Cô chỉ dạy về việc này.
Mùa Vu Lan này, có người bảo mình hãy viết gì về cha mẹ đi. Mình thực sự đắn đo, vì vốn dĩ một con người đầy rẫy niệm vô ơn như mình cũng không biết phải viết gì. Kể ra, đó toàn là cả một tuổi thơ chỉ biết đòi hỏi, chỉ biết hưởng thụ, không hề nghĩ đến công lao của cha mẹ đã vất vả vì mình như thế nào,...
Mỗi lần được nghe Cô Yến kể những câu chuyện của Cô với bố, với mẹ cả, mẹ đẻ, mẹ chồng Cô và qua những điều mà mình chứng kiến trong quá trình được đi cùng Cô, mình thấy rằng Cô thực sự là một tấm gương hiếu hạnh. Cô đã dẫn dắt bố mẹ vào trong Phật Pháp, hướng dẫn ông bà xả tịnh tài cúng dường Tam Bảo và đều được phát tâm Bồ Đề tu hành. Vì Cô là một người con có hiếu từ những hành động, việc làm của Cô từ thủa bé đến lớn nên Cô dễ dàng hiểu được lời Phật dạy và thực hành đúng như lời Phật dạy. Và sau này Cô luôn dùng "thân giáo" của mình để hướng dẫn cho mọi người biết tu theo hiếu hạnh. Và mình cảm thấy thật hạnh phúc vì là một trong số những người được Cô chỉ dạy, sách tấn sát sao.
Lại một mùa Vu Lan nữa lại về! Con xin nguyện đời đời kiếp kiếp, dù sinh ra nơi đâu cũng được học theo hạnh hiếu mà Cô đã thực hành để trở thành một người con hiếu hạnh; từ đó có một nền tảng vững chắc để tu hành thành Phật.

Phat-tu-tran-thi-mai-chup-anh-cung-co-va-me
Phật tử Trần Mai chụp ảnh cùng Cô Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán) và mẹ ruột của mình

 

Các bài nên xem:

-
aa
+
884 lượt xem
27/08/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ