Mất phương hướng trong cuộc sống - phải làm sao tìm được lối đi cho chính mình?

Mất phương hướng trong cuộc sống là trạng thái có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất cứ lứa tuổi và giai đoạn nào của cuộc đời. Đó là thời điểm chúng ta chẳng biết mình nên đi đâu, về đâu và làm gì.
Vậy nguyên nhân gì khiến chúng ta mất phương hướng và làm thế nào để giải quyết được vấn đề này.
Mời quý Phật tử và các bạn trẻ cùng tìm hiểu qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến (Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán) trong bài viết sau đây!

Câu hỏi từ một bạn bị mất phương hướng trong cuộc sống

Trong buổi chia sẻ Phật Pháp thường kỳ của CLB Cúc Vàng, một bạn gửi câu hỏi đến Cô Phạm Thị Yến như sau: “Thưa Cô, năm nay con 21 tuổi. Con đang bị chênh vênh, mất phương hướng giữa dòng đời. Con không biết bắt đầu từ đâu, không biết chọn lựa công việc gì để phát triển cho tương lai, bởi vì con nhút nhát, rụt rè. Con cảm thấy mình không được tài giỏi nên con hay buồn bã, bất lực và hay nghĩ quẩn. Đã có lúc con nghĩ tới cái chết. Vậy, bây giờ, con phải làm thế nào để có thể vui sống ạ? Con cảm ơn Cô ạ”.

Tại sao chúng ta bị mất phương hướng?

Trong cuộc sống có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta mất phương hướng. Cô Phạm Thị Yến đã chia sẻ hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó như sau.

Không nhìn nhận chính mình khiến mất phương hướng

Thứ nhất là do chúng ta quên đi khả năng và hoàn cảnh hiện tại của mình như Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Đôi khi, chúng ta nhìn thấy một người đồng trang lứa với mình có nghề nghiệp tốt, kiếm nhiều tiền mà chúng ta quên hoàn cảnh và khả năng hiện tại của mình. Cho nên, chúng ta cảm thấy mình tất cả những gì mà các bạn có, mình không có khả năng làm được. Từ đó, chúng ta trở nên mất phương hướng”.
Bên cạnh đó, Cô cũng chia sẻ thực trạng hiện nay, nhiều bạn mới tốt nghiệp trường cấp ba hoặc đại học, các bạn không tìm được việc làm hay không có chỗ làm ổn định. Đó cũng là lý do khiến các bạn mất phương hướng.

Từ phía cha mẹ tạo áp lực cho con cái

Một nguyên nhân nữa là từ phía gia đình. Để các Phật tử hiểu rõ về điều này, Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Nhiều cha mẹ mong muốn con vào học đại học theo ý của mình cho có bằng đại học để cho bằng bạn bằng bè, bằng mọi người xung quanh, mà không đánh giá được thực lực của con, không xem con mình có nhiệt huyết, có sự cống hiến với việc này không. Nhiều bạn khi cầm tấm bằng ra trường không biết xin việc vào đâu, bởi vì hoàn cảnh gia đình cũng không thể xin việc được. Cho nên, chính phụ huynh cũng có thể làm cho con mình mất phương hướng”.

ep-buoc-con-khien-con-mat-phuong-huong
Ép buộc con làm theo ý cha mẹ sẽ khiến con bị mất phương hướng

Chúng ta nên làm gì khi bị mất phương hướng?

Từ những nguyên nhân trên, Cô Chủ nhiệm gợi ý các phương hướng giải quyết giúp chúng ta cùng cân bằng lại cuộc sống.

co-pham-thi-yen-chia-se-ve-cach-giai-quyet-khi-bi-mat-phuong-huong
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ về cách giải quyết khi bị tình trạng mất phương hướng

#1 Tư duy về các nhu cầu cần phục vụ cuộc sống hằng ngày

Đầu tiên chúng ta cần xác định cuộc sống hiện tại cần những gì? Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Chúng ta cần những gì để phục vụ cho cuộc sống này khi ở đời sống tại gia? Thứ nhất là ăn, thứ hai là mặc, thứ ba là chỗ ở, rồi đến cuộc sống gia đình... Đối với những người bị mất phương hướng, trước tiên, chỉ nên nghĩ rằng: “Tôi cần tự lực kiếm được miếng ăn đã”. Sau đó, chúng ta sẽ thấy trong khả năng hiện tại, mình cần làm gì để có miếng ăn. Nhưng việc làm của chúng ta phải là việc làm thiện”.
Cô chia sẻ thêm rằng, nếu chúng ta làm những việc bất chính, bất thiện thì chúng ta sẽ chịu tai họa khôn lường, nó sẽ kéo chúng ta đến chỗ đau khổ.

khi-ban-mat-phung-huong-can-lam-nhung-viec-trong-kha-nang-cua-minh
Khi cảm thấy mất phương hướng, bạn nên nghĩ rằng mình cần làm những việc trong khả năng hiện tại của mình
(ảnh minh họa)

#2 Làm việc đúng với khả năng và hoàn cảnh của bản thân

Trong buổi chia sẻ, Cô đã kể câu chuyện mất phương hướng của chính mình. Khi tốt nghiệp phổ thông, vì hoàn cảnh gia đình nên Cô không thể học tiếp và không có điều kiện để tiến xa. Cô thấy bạn bè đều có việc làm tốt, trong khi mình học khá hơn thì lại làm những việc không bằng.
Những suy nghĩ đó khiến Cô mất phương hướng và buông xuôi. Sau đó, Cô tư duy, nhìn nhận hoàn cảnh và quyết định phải tìm nghề phù hợp với điều kiện của mình lúc bấy giờ.
Cô quyết định học nghề may, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như rua lỗ áo, dần dần tay nghề tiến bộ. Cô gọi đó là thành công và sống đúng với thành công đó. Các giai đoạn tiếp theo trong cuộc đời, Cô cũng hoàn thành từ việc này đến việc khác. Sau này nhờ học Phật, Cô biết rằng chính do tâm hoan hỷ sống đúng với hiện tại mà duyên thay đổi, khiến Cô hoàn thành tốt công việc của mình.

lam-viec-dung-voi-kha-nang-giup-tim-duoc-niem-vui-trong-cong-viec
Làm việc đúng với khả năng giúp bạn tìm được niềm vui trong công việc (ảnh minh họa)

Từ câu chuyện của mình, Cô mong các bạn luôn nhìn nhận hiện tại của chính mình. Cô Chủ nhiệm chia sẻ: “Chúng ta sống với đúng hoàn cảnh của mình thì sẽ thoát ra khỏi suy nghĩ đó rất dễ dàng và chúng ta sẽ sống rất thoải mái. Bởi vì đó chính là khả năng, hoàn cảnh của chúng ta và chúng ta vượt lên, không bị mất phương hướng”.
Qua lời Cô chia sẻ, chúng ta biết được, khi nhìn nhận đúng hoàn cảnh hiện tại, biết chấp nhận, hoan hỷ thì mình sẽ không bị mất phương hướng.
Vậy sống đúng hoàn cảnh của mình là như thế nào? Cô cũng giải thích thêm cho các Phật tử hiểu: “Chúng ta luôn nhìn nhận chính mình về khả năng kinh tế, học thức, mối quan hệ và khả năng cống hiến của mình. Khi nhận diện đúng về bản thân, chúng ta bắt đầu làm các công việc đúng với với mình. Từ đó, chúng ta sẽ có nhiệt huyết từ sự thành công. Dần dần, trong các bước tiếp theo của cuộc đời, chúng ta cứ hoàn thành việc này rồi lại tới việc khác, tức là duyên thay đổi do tâm hoan hỷ của mình. Bởi vậy, tất cả mọi người khi còn trẻ tuổi, chúng ta nên luôn luôn nhìn nhận chính mình”.

#3 Đánh giá về khả năng của bản thân

Biết rõ mình là ai?

Trước tiên, chúng ta tìm cho mình một công việc yêu thích và tập trung phát triển công việc đó. Khi mới đi làm, chúng ta cần xác định mình là người thiếu kinh nghiệm thì phải học hỏi người đi trước.
Cô Chủ nhiệm chia sẻ cách tư duy: “Khi mới bắt đầu đi làm, nhiều người thấy mình có bằng ưu tú nhưng không được làm trưởng phòng, phó phòng mà còn bị người trên mắng mỏ, sai sử nên không chịu được. Đó là do chúng ta không nhìn nhận được thực tế. Bởi vì, dù chúng ta có giỏi đến đâu, nhưng chúng ta chưa có kinh nghiệm. Chúng ta phải là người có kinh nghiệm giao tiếp, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc. Cho nên, khi mới đi làm, đầu tiên, chúng ta bưng bê, rót nước, pha trà,... để học hỏi những người có kinh nghiệm trước. Ở bất cứ phương diện nào, chúng ta muốn có tự tin thì cần phải đánh giá được mình là ai, mình làm được gì và sẽ cống hiến ra sao”.

Biết rõ mình sẽ cống hiến ra sao?

Tiếp đó, chúng ta cần xác định bản thân phải có sự cống hiến và cống hiến bằng lao động chân chính thì sẽ không bị mất phương hướng.
Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Tiền thu được chính là sự cống hiến của chúng ta. Dù có gặt hái được gì đi chăng nữa cũng phải bằng chính công sức mình bỏ ra. Vậy nên, chúng ta phải luôn biết mình sẽ cống hiến được gì. Như vậy, chúng ta sẽ không bao giờ mất phương hướng. Còn nếu chúng ta lừa đảo, gian manh thì điều đó sẽ dẫn chúng ta đến kết quả đau khổ”.

Biết rõ mình sẽ làm những gì?

Cuối cùng, chúng ta phải vạch ra các bước mình cần làm. Chúng ta xác định mình có thể lao động chân tay, nhưng miễn sao đi lên bằng nỗ lực của bản thân.
Nếu gặp khó khăn, chúng ta chỉ nên chuyên tâm giải quyết từng việc thì mới có kết quả tốt nhất. Cô Phạm Thị Yến đưa ra lời khuyên: “Không một ai có thể dùng hai thìa cùng xúc cho vào miệng một cách gọn gàng được. Cho nên, trong tất cả các lĩnh vực, chúng ta phải nhìn nhận, biết rõ về bản thân, khả năng của mình để mình giải quyết dần dần. Nhưng chúng ta chỉ nghĩ đến mục đích cuối cùng chỉ một lần thôi”.

khi-mat-phuong-huong-nen-vach-ra-cac-buoc-can-lam-va-chuyentam-giai-quyet-tung-viec
Khi bị mất phương hướng, ta nên vạch ra các bước mình cần làm và chuyên tâm giải quyết từng việc thì mới
đạt kết quả tốt nhất

 

Để không bị chán nản và mất phương hướng trên con đường mình chọn, Cô Chủ nhiệm chia sẻ thêm: “Giống như khi chúng ta muốn đến cuối con đường, chúng ta chỉ cần tư duy một lần là con đường dài 2km. Sau đó, chúng ta chuyên tâm vào các bước chân. Bởi nếu lúc nào cũng nghĩ đến chặng đường 2km, chúng ta sẽ bị chán hản hoặc vì thất niệm mà vấp ngã. Chúng ta cũng không được nhìn vào mỗi bước chân của mình mà chỉ nhìn vào chính mình. Bởi vậy, muốn có một phương hướng tốt, chúng ta phải phát triển từ chính thực tại của mình mà không phải từ người khác”.
Từ lời Cô chia sẻ, chúng ta biết rằng, mất phương hướng là do chúng ta không đánh giá đúng về chính mình trong hiện tại. Nếu chúng ta biết đánh giá đúng, xác định mình là ai, mình sẽ làm những gì và cống hiến như thế nào thì chúng ta sẽ có định hướng tốt trong cuộc sống.
Mong rằng qua bài viết này, quý Phật tử cùng các bạn trẻ, những ai đang trong tình trạng mất phương hướng có thể áp dụng lời Cô chia sẻ, để giải quyết khó khăn và xây dựng cho mình một cuộc sống tốt đẹp, ý nghĩa.

Hải Đường
Các bài nên xem:

-
aa
+
2,562 lượt xem
11/10/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ