Lợi ích của việc đối trước Chư Tăng sám hối

Kính thưa quý đạo hữu! Phật tử chúng ta thực hành pháp sám hối: sám hối với đại chúng (giới hòa đồng tu), sám hối trước tôn hình, tôn tượng chư Phật, Bồ tát và sám hối trước chư Tăng. Để có được lợi ích từ pháp sám hối, duyên sám hối, Tâm Chiếu Hoàn Quán xin chia sẻ cùng các đạo hữu về sám hối và các duyên sám hối.

I. Tự tâm sám hối

1. Chân thật sám hối: sám hối diệt tâm bất thiện, đồng cảm, bình đẳng với chúng sinh ác

Thấy tội lỗi mình đã gây ra thật đáng sợ. Sợ vì quả báo của nó mà mình đang phải chịu trong hiện tại; thấy mình khi xưa làm các việc đó quả thật là độc ác, vô nhân tính.

Nếu mình đang bị người hại, hương linh ác hại, cô hồn ngã quỷ ác hại qua các cơn bạo bệnh, tai nạn,... khiến mình bị các cơn đau trên thân, khổ não trên tâm,… hành khổ như thế nào, thì chính mình kiếp xưa cũng đã là kẻ ác đức, ra tay tàn độc khiến chúng sinh bị đau đớn thảm khốc như vậy. Tư duy về tâm oán hận, muốn trả thù của mình thế nào khi bị hành khổ, thì chúng sinh cũng muốn oán hận, trả thù mình như vậy. Ví như ai cắt cổ xẻo thịt, xát muối vào thân mình, mình hận thù thế nào thì chúng sinh cũng hận thù như vậy khi mình làm ác với họ. Tư duy sâu sắc về tội lỗi của mình, cảm nhận được sự thống khổ của chúng sinh đã bị mình ác hại qua sự khổ của mình trong hiện tại.

Tư duy như vậy để thấy rõ sự thật rằng: Do trước kia mình vì chưa biết nhân quả, chưa biết Phật Pháp, không tin làm ác sẽ bị quả báo, nên mình mới làm ác và những chúng sinh… hiện tại đang làm ác với mình hiện nay, họ cũng giống mình kiếp xưa, vô tư trong vô minh đang làm các việc ác, để rồi một kiếp nào đó họ cũng lại bị thống khổ như mình hiện tại…

Tư duy như vậy cho tới khi đồng cảm được với người ác, thấy mình và họ cũng như nhau, kẻ ác trước - người ác sau, không còn thấy giận, thấy ghét họ. Tư duy để thấy sợ hãi, không dám làm việc ác để trả thù người ác, khởi được yêu thương, từ bi mong muốn cho họ giác ngộ. Tư duy cho đến khi sợ hãi tội lỗi, không dám gây tội lỗi. Tư duy cho đến khi có được sự bình tâm trong hiện tại, có được sự kiên nhẫn giải quyết các vấn đề làm lợi cho người, cho hương linh oán kết,... Như vậy được gọi là chân thật sám hối, sám hối trong giác ngộ, trong thực hành “tứ chánh cần: ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện”.

2. Tham sám hối

Nghe thấy sám hối được tiêu tội, tiêu nghiệp, tăng phước nên sám hối. Sám hối để mong được những gì mình đang mong cầu. Sám hối mà không tư duy về tội lỗi của mình đã gây ra cho chúng sinh, không thấy được sự thống khổ của chúng sinh khi bị mình hại, không tư duy về sự oán hận của chúng sinh đối với mình. Sám hối không mong muốn đem đến lợi ích cho chúng sinh. Sám hối vẫn mang tâm giận hờn, ác hại người, vật, hương linh,… đang ác hại mình.

Sám hối như vậy gọi là tham sám hối, giả tâm sám hối.

II. Sám hối trước bạn đồng tu

1. Chân thật sám hối: thấy được tội lỗi, tư duy về quả báo; thấy được sự khổ thân, tâm của những người, vật mà mình đã gây tội lỗi; mong muốn bạn đồng tu giúp cho mình, sách tấn mình nghe học, thực hành Phật Pháp, khiến trừ bỏ dần niệm tâm cấu uế, mất tỉnh giác đó. Đó là sám hối trong giác ngộ.

Sám hối chân thật được kết quả tiêu trừ tội lỗi, được kính trọng, được giúp đỡ.

2. Chấp ngã sám hối: sám hối để mọi người thấy mình có tu, tinh tấn. Sám hối để mọi người khen mình chê người. Sám hối để tạo uy tín. Sám hối để cho người đỡ giận mình. Sám hối với mục đích thân cận người. Đó là sám hối trong si mê.

Chấp ngã sám hối khiến tâm bất thiện gia tăng, tội không tiêu và kết quả dần sẽ bị mất lòng tin.

III. Đối trước tôn hình tôn tượng Phật Bồ Tát sám hối

Chư Phật là toàn thiện viên mãn trí tuệ, chư Bồ Tát đang làm các công hạnh cứu độ chúng sinh, nên khi đối trước tôn hình, tôn tượng hay hướng tâm tới các Ngài để sám hối, sẽ khiến tâm mình hướng tới tâm toàn thiện, mong muốn làm các việc thiện lợi ích cho chúng sinh. Tôn hình, tôn tượng của các Ngài là duyên cho pháp hướng tâm tăng thượng cho chúng sinh. Vì vậy, với tâm chân thật sám hối, đối trước tôn tượng, tôn hình của các Ngài để sám hối, thì sẽ tiêu trừ được phần lớn quả báo ác nghiệp của tội lỗi trước kia (do tâm niệm bất thiện được tiêu diệt).

Nếu với tham tâm mà đối trước tôn tượng, tôn hình của các Ngài sám hối, thì tội lỗi không tiêu trừ, do chưa diệt được tâm bất thiện; nhưng vẫn tăng được phần phước do có phần lòng tin đối với chân lý, với nhân quả, kính tín đối với chư Phật, Bồ tát và cũng tăng duyên cho sự giác ngộ sau này.

IV. Đối trước chúng Tăng sám hối

Chư Tăng đại diện cho Tam Bảo, truyền trao lời dạy của Đức Phật, thay Đức Phật giác ngộ cho chúng sinh.

Chân thật sám hối trước chư Tăng:
- Biết về việc tu tập, giới đức của chư Tăng, có lòng tin về sự tu hành của chư Tăng.
- Được hoan hỷ, giác hiểu Phật Pháp từ sự giáo dưỡng của chư Tăng, thực hành theo lời chỉ dạy của chư Tăng được lợi ích, sinh được tín tâm với Tam Bảo và Tăng đoàn.
- Dùng tâm chân thật sám hối đối trước chư Tăng để sám hối và phát nguyện nương tựa Tam Bảo, chư Tăng chăm chỉ tinh tấn học Phật Pháp và thực hành Phật Pháp theo sự chỉ dạy hướng dẫn của chư Tăng.

Duyên sám hối này sẽ phát sinh các duyên tăng thượng tâm, tăng thượng giới, tăng thượng trí, có công năng khiến tiêu trừ tội lỗi, ác nghiệp. Nhờ sự phát nguyện nương tựa vâng lời chư Tăng để thực hành Phật Pháp mà phúc báu được tăng trưởng mãi.

V. Lợi ích vượt trội khi đối trước chư Tăng sám hối

Khi Đức Phật thành tựu giác ngộ thì chưa có Tam Bảo. Có Đức Phật, Đức Phật truyền Pháp, chư Tăng xuất hiện mới có Tam Bảo.
Chư Tăng đại diện được cho Tam Bảo. Đối diện trước chư Tăng sám hối là đối trước hiện tiền Tam Bảo sám hối. Đối diện trước chư Tăng sám hối là đã có lòng tin, tín với chư Phật, với giáo Pháp và với chư Tăng. Tín tâm với Tam Bảo sẽ sinh ra nhân duyên tốt lành cho việc thông hiểu chính kiến giải thoát, tinh tấn trau dồi giới đức dài lâu, thành tựu giải thoát.

Đối trước tôn hình, tôn tượng chư Phật, chư Bồ tát có thể chưa có tín tâm với Tam Bảo, với chư Tăng; có thể chưa có nhân duyên gặp được chư vị chân tu giới đức, nên sẽ bị hạn chế về việc học chính kiến, thực hành Phật Pháp và có thể phát sinh nhân duyên ngã mạn về mình, coi thường chúng Tăng (các bậc Thánh trong tương lai). Chính vì vậy, trong giới luật của chư Tăng, Đức Phật có chỉ dạy có những tội lỗi phải đối trước 20 vị Tăng giới đức sám hối mới tiêu trừ được tội. Nên duyên được đối trước chư Tăng sám hối là nhân duyên thù thắng tốt lành cho những người chân thật sám hối.

Đối trước chư Tăng chân thật sám hối, tiêu trừ được tội lỗi, giảm trừ được khổ quả và là nhân duyên thù thắng để thành Phật trong mai sau.

VI. Các Phật tử đăng ký xin sám hối trước chư Tăng

Kính thưa quý đạo hữu! Tâm Chiếu Hoàn Quán thấy biết và có số đông Phật tử đã thực hành, có những nghiệp tội Phật tử cần phải có duyên sám hối trước chư Tăng mới chuyển hoá được. Số lần cần sám hối trước chư Tăng có khác nhau: có Phật tử cần sám hối 1 lần, có Phật tử cần sám hối 3 lần, có Phật tử sám hối 7 lần; có Phật tử cần sám hối nhiều lần; và có nghiệp cần sám hối 1 lần, có nghiệp cần sám hối 3 lần, có nghiệp cần sám hối 7 lần, có nghiệp cần sám hối nhiều lần.

Số lần sám hối của mọi người khác nhau như vậy là do các yếu tố sau:
- Nghiệp quá nặng nên tội gây ra với tâm bất thiện cường thịnh, với số đông chúng sinh hoặc với các bậc chân tu hiền đức.
- Tâm sám hối khác nhau.
- Tín tâm với chư Phật khác nhau.
- Tín tâm với giáo Pháp khác nhau.
- Tín tâm với chư Tăng khác nhau.

Số lần sám hối chính là số lần được nương tựa vào chư Tăng, vâng lời chư Tăng, phát nguyện bỏ ác hành thiện, tu tập tinh tấn. Tín tâm với Phật, Pháp, Tăng được tăng trưởng, phát nguyện nương tựa chư Tăng để tu học, thực hành Phật Pháp, thì tội lỗi nghiệp chướng được tiêu trừ.

Duyên được sám hối chư Tăng là duyên thù thắng, Tâm Chiếu Hoàn Quán sách tấn đại chúng trong Câu lạc bộ Cúc Vàng, trong niệm giác ngộ chân thật sám hối, chân thật cầu thỉnh chư Tăng chứng minh cho sám hối.

Các đạo hữu nên thực hành tư duy theo hướng dẫn trên vào các thời thiền quán từ 3 đến 7 ngày hoặc nhiều hơn trước khi sám hối trước chư Tăng để được lợi ích.

Chúc các đạo hữu và gia đình hiện tại được tiêu trừ nghiệp chướng, đủ duyên cùng nhau tu tinh tấn phát tâm Bồ đề cầu Vô thượng Bồ đề!
_Phạm Thị Yến (Tâm Chiếu Hoàn Quán)_

247391232_3129839470634638_6815846354429996764_n

Các bài nên xem:

-
aa
+
7,660 lượt xem
05/11/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ