Kinh Phổ Môn

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
Phẩm
Phổ Môn Của Bồ Tát Quán Thế Âm

Thứ Hai Mươi Lăm

Bấy giờ, Bồ Tát Vô Tận Ý, liền từ tòa ngồi đứng dậy, hở áo vai hữu, chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Bồ Tát Quán Thế Âm vì nhân duyên gì gọi tên là Quán Thế Âm?

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý rằng: Này Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh, phải chịu mọi sự khổ não, được nghe Bồ Tát Quán Thế Âm đây, mà dốc lòng xưng tên Bồ Tát Quán Thế Âm, tức thời quán xét giọng tiếng của người ấy, đều được giải thoát. Nếu có người chuyên trì tên hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, dù vào trong lửa lớn lửa không thể cháy được, là do nhờ sức uy thần của Bồ Tát. Nếu bị nước lớn cuốn trôi xưng danh hiệu Ngài liền được chỗ cạn.

Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sinh vì sự tìm cầu vàng, bạc, ngọc lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu các thứ ngọc báu... phải vào trong bể lớn. Giả sử bị mây mù, gió dữ, thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỷ La Sát. Trong đó dù có nhẫn đến một người xưng tên Bồ Tát Quán Thế Âm, thì những người trong thuyền ấy, đều được thoát khỏi tai nạn quỷ La Sát. Vì nhân duyên ấy nên gọi là Quán Thế Âm.

Nếu lại có người sắp phải bị hại, xưng tên Bồ Tát Quán Thế Âm, thì kẻ cầm dao gậy kia, liền bị gậy nát ra từng đoạn một, mà được giải thoát. Nếu trong ba nghìn đại thiên quốc độ, trong đó đầy dẫy quỷ Dạ Xoa, La Sát muốn đến làm não hại người. Khi nghe người đó xưng tên Bồ Tát Quán Thế Âm, những quỷ ác La Sát kia, còn chẳng dám lấy mắt dữ nhìn người ấy, huống chi lại dám làm hại.

Nếu lại có người, dù có tội hay không có tội mà bị gông cùm, xiềng xích, trăn trói nơi mình. Xưng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, thì xiềng xích kia thảy đều đứt nát, liền được giải thoát. Nếu trong cõi tam thiên đại thiên đầy dẫy giặc oán, có một người chủ lái buôn, cùng với các người buôn khác, đem theo của báu quý giá đi qua đường hiểm. Trong đó một người đề xướng lên rằng: “Các Thiện nam tử! Đừng nên sợ hãi, các ông phải nên dốc lòng niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm vì Bồ Tát ấy hay dùng pháp vô úy ban cho chúng sinh. Nếu các ông niệm danh hiệu Ngài sẽ được thoát khỏi nạn giặc oán này”. Các người lái buôn nghe nói thế rồi, đều cất tiếng niệm rằng: “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát”. Vì nhờ xưng tên Ngài mà liền được giải thoát.

Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có uy thần thế lực rộng lớn nhường ấy, nếu có chúng sinh nào giàu lòng dâm dục, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền được lìa mọi lòng dục. Nếu người giàu lòng hờn giận, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền được lìa khỏi hờn giận. Nếu người giàu lòng ngu si, thường cung kính niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, liền được lìa khỏi ngu si.

Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có uy thần thế lực lớn như thế, Ngài hay làm những việc lợi ích cho chúng sinh, vì thế nên một lòng nhớ niệm.

Nếu có người đàn bà nào, ví dù muốn cầu con trai, lễ bái cúng dàng Bồ Tát Quán Thế Âm, thì liền sinh được con trai phúc đức trí tuệ. Ví dù muốn cầu con gái, thì liền sinh được con gái có tướng đoạn trang. Vì trước kia đã trồng cội đức, cho nên đều được mọi người kính mến.

Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có thần lực như thế. Nếu có chúng sinh nào, cung kính lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm thì phúc đức của người đó cũng không luống mất. Vì thế chúng sinh đều nên thụ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm.

Ông Vô Tận Ý! Nếu có người nào thụ trì danh tự của sau mười hai ức hằng hà sa Bồ Tát, lại trọn đời cúng dàng thức ăn uống, áo mặc, đồ nằm, thuốc thang... Ý ông thế nào? Công đức của người thiện nam, thiện nữ ấy có được nhiều chăng?

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Công đức của người đó rất nhiều.

Đức Phật bảo: “Nếu lại có người thụ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, nhẫn đến lễ bái cùng dàng trong giây lát, công đức của hai người ấy bằng nhau không khác; dù trong trăm nghìn muôn ức kiếp không thể cùng tận”.

Ông Vô Tận Ý! “Người thụ trì danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, được lợi ích phúc đức vô lượng vô biên như thế”.

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm lại dạo chơi khắp cõi Sa-bà này? Và tại sao Ngài vì chúng sinh dùng sức phương tiện nói pháp, việc đó thế nào?”.

Đức Phật bảo Bồ Tát Vô Tận Ý rằng: Này Thiện nam tử? Nếu có chúng sinh ở cõi nước nào, phải dùng thân Phật mới độ được ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm, liền vì họ hiện ra thân Phật mà nói Pháp; nên dùng thân Bích Chi Phật mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Bích Chi Phật mà nói Pháp; nên dùng thân Thanh Văn mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Thanh Văn mà nói Pháp; nên dùng thân Phạm Vương mới độ được liền vì họ hiện ra thân Phạm Vương mà nói Pháp; nên dùng thân Đế Thích mới độ được liền vì họ hiện ra thân Đế Thích mà nói Pháp; nên dùng thân Trời Tự Tại mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Trời Tự Tại mà nói Pháp; nên dùng thân trời Đại Tự tại mới độ được, liền vì họ hiện ra thân trời Đại Tự tại mà nói Pháp; nên dùng thân Thiên Đại tướng quân mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Thiên Đại tướng quân mà nói Pháp; nên dùng thân Tỳ Sa Môn mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Tỳ Sa Môn mà nói Pháp; nên dùng thân Tiểu vương mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Tiểu vương mà nói Pháp; nên dùng thân Trưởng giả mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Trưởng giả mà nói Pháp; nên dùng thân Cư sĩ mới độ được, liền vì họ hiện ra thân Cư sĩ mà nói Pháp; nên dùng thân Tể quan mới độ được, liền vì họ hiện ra thân để quan mà nói Pháp; nên dùng thân Bà la môn mới độ được, liền vì họ hiện thân Bà la môn mà nói Pháp; nên dùng thân Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mới độ được, liền vì họ hiện thân Tỷ Khưu, Tỷ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di mà nói Pháp; nên dùng thân phụ nữ của Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà la môn mới độ được liền vì họ hiện thân phụ nữ mà nói Pháp; nên dùng thân Đồng nam, Đồng nữ mới độ được, liền vì họ hiện thân Đồng nam, Đồng nữ, mà nói Pháp; nên dùng các thân Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân mới độ được đều vì họ hiện ra các thân kia mà nói Pháp; nên dùng thân Chấp Kim cương thần mới độ được, liền vì họ hiện thân Chấp Kim cương thần mà nói Pháp.

Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm thành tựu công đức như thế. Ngài dùng hết thảy thân hình dạo đi các nước, để độ thoát cho chúng sinh. Vì thế các ông phải nên một lòng cúng dàng Bồ Tát Quán Thế Âm. Vì đại Bồ Tát Quán Thế Âm đối với chúng sinh ở trong tai nạn nguy cấp, sợ hãi. Ngài hay ban cho những điều không lo sợ cho nên ở cõi Sa-bà này đều gọi Ngài là bậc “Thí Vô úy”.

Bồ Tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: "Bạch Đức Thế Tôn! Con nay xin cúng dàng Bồ Tát Quán Thế Âm". Liền cởi chuỗi ngọc bằng các châu báu ở nơi cổ giá trị trăm nghìn lạng vàng, trao cho Bồ Tát Quán Thế Âm mà nói rằng: "Xin Ngài nhận chuỗi ngọc trân bảo pháp thí này”.

Khi ấy, Bồ Tát Quán Thế Âm khước từ không nhận.

Bồ Tát Vô Tận Ý lại bạch Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: “Xin Bồ Tát vì lòng thương chúng tôi mà nhận cho chuỗi ngọc này”.

Bấy giờ, Phật bảo Bồ Tát Quán Thế Âm rằng: Ông nên thương Bồ Tát Vô Tận Ý đây và hàng tứ chúng Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân và Phi Nhân... nhận chuỗi ngọc đó.

Tức thì Bồ Tát Quán Thế Âm vì lòng thương tứ chúng, trời, rồng, nhân và phi nhân... nhận lấy chuỗi ngọc, chia làm hai phần: Một phần dâng lên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Một phần dâng tháp Đức Phật Đa Bảo.

Ông Vô Tận Ý! Bồ Tát Quán Thế Âm có sức thần Tự tại hay dạo chơi khắp cõi Sa-bà như thế.

Khi ấy, Bồ Tát Vô Tận Ý dùng kệ hỏi Đức Phật rằng:
Thế Tôn đủ tướng đẹp,
Con nay lại hỏi Ngài,
Phật tử nhân duyên gì,
Tên là Quán Thế Âm!
Đấng đầy đủ tướng đẹp,
Kệ đáp Vô Tận Ý:
Ông nghe hạnh Quán âm,
Hay ứng khắp nơi chốn,
Nguyện rộng sâu như biển,
Nhiều kiếp khó nghĩ bàn,
Hầu nhiều nghìn ức Phật,
Phát nguyện lớn thanh tịnh.
Vì ông ta nói qua:
Nghe tên và thấy thân,
Lòng nghĩ chẳng luống qua,
Hay diệt mọi nỗi khổ.
Dù ai khởi ý hại.
Xô xuống hầm lửa lớn,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Hố lửa biến thành ao.
Hoặc trôi dạt bể lớn,
Các nạn quỷ, cá, rồng,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Sóng cồn không chìm được.
Hoặc ở đỉnh Tu Di,
Bị người xô ngã xuống,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Như mặt trời trên không,
Hoặc bị người ác đuổi,
Ngã xuống núi Kim Cương,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Không gây sát mảy may.
Hoặc bị giặc oán vây,
Đều cầm dao toan hại,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Đều phát khởi lòng lành.
Ngôi bị nạn khổ vua,
Muốn hành hình sắp chết,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Dao liền gãy từng đoạn.
Hoặc cầm tù, xiềng xích,
Tay chân bị gông cùm,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Bỗng nhiên được thoát khỏi.
Nguyền rủa các thuốc độc,
Muốn làm hại thân mình,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Lại trở về người ấy.
Hoặc gặp La Sát ác
Rồng độc, các quỷ dữ,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Thời đều không dám hại.
Nếu thú dữ vây quanh,
Nanh vuốt nhọn đáng sợ,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Chúng vội chạy nơi khác,
Rắn độc và bọ cạp,
Lửa nọc độc bốc cháy,
Nhờ sức niệm Quán Âm
Nghe tiếng chúng lánh xa.
Mây, sấm, sét, chớp giật,
Tuôn mưa đá, mưa rào,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Liền được trời quang tạnh.
Chúng sinh bị khốn ách,
Bao nhiêu khổ ngặt mình,
Sức diệu trí Quán Âm,
Hay cứu đời thoát khổ.
Đầy đủ sức thần thông,
Rộng tu trí phương tiện,
Các cõi nước mười phương,
Đều hiện thân khắp cả,
Hết thảy các thú dữ,
Địa ngục, quỷ, súc sinh,
Khổ, sinh, già, bệnh, chết,
Dần dần đều dứt hết.
Chân quán thanh tịnh quán,
Trí tuệ quán rộng lớn,
Bi quán và từ quán,
Thường nguyện thường chiêm ngưỡng.
Sáng thanh tịnh không nhơ,
Tuệ nhật phá tối tăm.
Hay dẹp tai gió, lửa,
Soi sáng khắp thế gian.
Bi thể răn như sấm,
Từ ý diệu như mây,
Tuôn mưa pháp cam lộ,
Dập tắt lửa phiền não,
Kiện tụng đến cửa quan.
Trong quân trận sợ hãi,
Nhờ sức niệm Quán Âm,
Oán thù đều tan mất.
Diệu Âm, Quán Thế Âm,
Phạm Âm, Hải Triều Âm,
Hơn tiếng thế gian kia,
Vì thế nên thường niệm,
Niệm niệm chớ sinh nghi,
Quán Âm bậc Tịnh Thánh,
Hay làm nơi nương tựa,
Cho nạn chết khổ não,
Đủ hết thảy công đức,
Mắt từ nhìn chúng sinh,
Phúc tụ như bể lớn,
Vì thế nên đỉnh lễ.

Bấy giờ, Bồ Tát Trì Địa liền từ tòa ngồi đứng dậy, đi đến trước Phật bạch rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có chúng sinh nào nghe phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát, đạo nghiệp tự tại Phổ Môn thị hiện, sức thần thông này, thì nên biết công đức của người ấy không phải là ít”.

Khi Phật nói phẩm Phổ Môn này, trong chúng có tám vạn bốn nghìn chúng sinh đều phát tâm Vô đẳng đẳng, Vô thượng Chính đẳng, Chính giác.

Nguồn: Hòa thượng Thích Tuệ Hải - Dịch giả (2004). Kinh diệu Pháp Liên Hoa, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, tr. 517-530.

-
aa
+
1,136 lượt xem
06/12/2019

Bình luận (1)

Phản hồi cho Hủy bỏ

  1. H
    H

    Hải Thiện Ân

    02/05/2023

    Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Con hướng về Tam Bảo, làm việc thiện lành