Nhân quả của người đánh bắt và thả cá chép trong ngày Tết ông Công ông Táo

Từ xa xưa, dân tộc Việt Nam có quan niệm vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm sẽ phóng sinh, thả cá chép ra sông, hồ để tiễn ông Công ông Táo về Trời. Tuy nhiên hiện nay, thực trạng phút trước thả cá, phút sau có người bắt cá đang tạo nên những hình ảnh kém văn minh, lịch sự trong mắt mọi người. Vậy nhân quả của người thả cá và người bắt cá là gì? Thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo như thế nào được lợi ích nhất?
Kính mời quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây:

Câu hỏi về nhân quả của người đánh - thả cá chép trong ngày Tết Ông Công Ông Táo

Trong Chương trình giải đáp thắc mắc, một bạn đã đặt câu hỏi đến Cô Phạm Thị Yến với nội dung như sau: “Cô ơi bình thường cứ đến 23 tháng Chạp mỗi năm, theo phong tục dân gian thì sau khi cúng ông Công, ông Táo xong mọi người thường mang cá ra sông hồ để thả. Năm ngoái, con có mang cá đi thả và thấy một điều thế này Cô ạ: Cá vừa thả xuống chưa kịp bơi đi thì đã có người vớt lên luôn rồi ạ. Mặc cho người thả cá đứng đó, họ thản nhiên vớt cá trước mặt người ta rồi mang về bán. Con cảm thấy hơi bất bình về việc làm này. Con thấy họ tham quá cô ạ! Cô cho con hỏi là việc làm trên có quả báo gì không ạ? Con cảm ơn Cô!”.

Phong tục dân gian về việc thả cá chép trong ngày Tết Ông Công Ông Táo

Phong tục dân gian quan niệm vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Công ông Táo sẽ bay về trời, báo cáo tất cả việc làm tốt – xấu của mỗi gia đình để Ngọc Hoàng định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Khi ấy, người Việt thường chuẩn bị 3 con cá chép sống (hay cá vàng) thả trong chậu nước để cúng ông Công ông Táo. Sau khi cúng xong, họ sẽ đem cá phóng sinh xuống ao, hồ hay sông.

Phong tục dân gian về việc thả cá chép trong ngày Tết Ông Công Ông Táo
Phong tục dân gian về việc thả cá chép trong ngày Tết Ông Công Ông Táo

Việc phóng sinh cá chép sau khi làm lễ cúng ông Công ông Táo là nét văn hóa đẹp, có giá trị nhân văn. Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Phong tục thả cá chép ngày ông Công ông Táo cũng có một điều tốt, đó là tập cho mỗi người dân biết đi phóng sinh, biết thương xót mạng sống của chúng sinh”. Bên cạnh đó, Cô Chủ nhiệm cũng lý giải ở một số nơi lại có phong tục mua cá về rán để cúng ông Công ông Táo. Vì họ quan niệm rằng khi cá chết thì thần hồn ông Táo mới cưỡi về trời được. Nếu cá còn sống thả xuống ao thì ông Táo chỉ cưỡi xuống ao. Cô Chủ nhiệm cũng chia sẻ quan niệm trên bắt nguồn từ sự mê tín mà sinh ra.

Nhân quả của người vớt cá chép và thả cá chép

#1 Người vớt cá chép

Trong kinh Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Con cá; Đức Phật hỏi chúng Tỳ-kheo:

Cá chép vừa được thả xong đã bị người dân vớt lên
Cá chép vừa được thả xong đã bị người dân vớt lên

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỳ-kheo, các Thầy có thấy hay nghe như sau: “Một người đánh cá, bắt cá, giết cá và đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được thọ hưởng hay được sống giữa các tài sản lớn?”
Thưa không, bạch Thế Tôn Lành thay, này các Tỳ-kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe như sau: “Một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá, đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy, được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, hay được thọ hưởng các tài sản, hay được sống giữa tài sản lớn hay tài sản chất đống”? Vì sao? Này các Tỳ-kheo, người đánh cá ấy với ác ý nhìn các con cá bị giết, bị đem đi giết hại, vì vậy, người ấy không được cưỡi voi, cưỡi ngựa, cưỡi xe, hay cưỡi cỗ xe, không được thọ hưởng các tài sản, hay không được sống giữa tài sản lớn và tài sản chất đống.
Dựa theo đúng giáo lý nhân quả của đạo Phật, Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Sau khi cá chép được thả xuống, người vớt cá lên sẽ có quả báo, bởi sát sinh thì có quả báo của việc sát sinh”.

#2 Người thả cá chép

Việc phóng sinh sẽ sinh ra phước lành cho người phóng sinh. Thế nhưng, phước báu ấy có được trọn vẹn không? Cô Chủ nhiệm lý giải: “Chúng ta phóng sinh thì sẽ được phước báu, nhưng phước báu đó không được trọn vẹn; bởi vì chúng ta vẫn bị khổ não trong tâm khi nhìn thấy những con vật mình vừa thả ra bị người khác vớt lên”.
Làm thế nào để thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo được lợi ích? Vậy làm sao để thả cá chép trong ngày ông Công ông Táo nói riêng và việc phóng sinh nói chung được nhiều lợi ích nhất? Cô Phạm Thị Yến đưa ra một số lời khuyên như sau:

Cô Phạm Thị Yến cùng các Phật tử trong CLB Cúc Vàng đi phóng sinh
Cô Phạm Thị Yến cùng các Phật tử trong CLB Cúc Vàng đi phóng sinh

1. Phóng sinh tùy duyên

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Phật tử chúng ta nên phóng sinh bất cứ lúc nào, không nhất thiết phải dồn đến ngày 23 tháng Chạp mới mua mấy con cá cảnh về phóng sinh; có khi phóng sinh ra hồ sẽ khiến cá chết, vì cá cảnh chỉ có thể nuôi trong bể, nếu phóng sinh ra hồ, ao thì môi trường sống không phù hợp”. Bởi cá cảnh thường nuôi ở trong bể cá và đựng trong túi bóng vậy nên khi thả ra hồ chúng không quen môi trường sống và có thể sẽ chết. Do đó, Cô Chủ nhiệm khuyên rằng: “Tốt hơn hết, chúng ta nên tùy duyên phóng sinh. Hôm nào ra chợ, chúng ta có tiền trong túi, cảm thấy thương xót các con vật bị bán ngoài chợ thì chúng ta mua chúng và mang đi phóng sinh. Cho nên, chúng ta tùy tâm lúc nào cũng được”.

2. Nên tìm chỗ phóng sinh

Bên cạnh phóng sinh tùy duyên, về việc lựa chọn địa điểm phóng sinh, Cô chia sẻ: “Chúng ta không nên tìm chỗ người ta hay vớt cá lên để phóng sinh. Và trước khi phóng sinh, chúng ta cũng nên nhìn trước, nhìn sau”.
Qua bài viết này mong rằng quý Phật tử cũng như nhân dân đón Tết ông Công ông Táo được nhiều lợi ích nhất, không chỉ gìn giữ nét đẹp văn hoá mà còn thể hiện tình thương yêu, từ bi đối với chúng sinh.

Các bài nên xem:

-
aa
+
1,696 lượt xem
25/01/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ