“Tôi có mặt trên cõi đời này để làm gì? Để bị người ta xua đuổi, bắt nạt phải không? Tôi có phải là một con quỷ không? Tại sao ai cũng xa lánh, hắt hủi tôi?”
Mục lục [Hiển thị]
Tôi đã làm gì nên tội?
Nhật Hạ vẫn luôn đặt ra hàng trăm, hàng nghìn câu hỏi như vậy mỗi khi tự mình soi gương. Trong gương là một khuôn mặt bình thường, hơi buồn bã; là một dáng người bình thường, chẳng cao chẳng thấp, chẳng béo chẳng gầy. Nhật Hạ không xinh đẹp xuất sắc như hoa hậu để người ta ghen tị nhưng cô cũng chẳng xấu ma chê quỷ hờn để người ta ghê tởm. Tuyệt đối chẳng hề có dấu hiệu gì của quỷ đội lốt người, cũng chẳng có dấu hiệu gì của một con người tàn ác. Hà cớ gì ai ai cũng ghét Nhật Hạ? Ai ai cũng bắt nạt và làm toàn trò điên rồ với cô?
Từ nhỏ Nhật Hạ đã không có bạn thân. Cô không chơi được với ai nhưng suốt ngày bị nói xấu sau lưng. Bạn ở lớp thì xua đuổi, bắt nạt. Cứ đêm đêm là Nhật Hạ lại khóc mà chẳng dám nói cho bố mẹ biết. Cô cứ sống như vậy cho đến giờ. Khi nhỏ, vì suy nghĩ chẳng thấu đáo, có lần cô cầm theo một con dao lên sân thượng nhà mình. Nắm con dao ấy rất lâu, kề vào cổ tay mình mãi nhưng cô không dám xuống tay. Cô sợ đau. Giờ lớn hơn, Nhật Hạ thầm cảm ơn mình đã không dại dột ngày ấy. Vì nếu Nhật Hạ có mệnh hệ gì, bố mẹ Nhật Hạ sẽ sống sao?
Tuy không bao giờ cầm theo dao, nhưng không phải là không bao giờ cô nghĩ đến cái chết nữa. Vì cuộc sống của Nhật Hạ đau khổ, bức bách quá. Thời gian duy nhất trong ngày Nhật Hạ cảm thấy dễ chịu là đêm về, cô được ở một mình trong căn phòng nhỏ của mình, không phải gồng lên với bất kỳ ai, kể cả bố mẹ. Nhật Hạ biết bố mẹ rất yêu thương cô, nhưng họ chẳng thể nào hiểu được, là con gái của họ đang phải chịu đựng những gì. Càng ngày, Nhật Hạ càng không thể kiểm soát được cuộc sống của mình nữa. Và lại càng không thể kiểm soát được thái độ, hành động của người khác đối với mình.
Sự đáng ghét lên tới đỉnh điểm
Một lần, Nhật Hạ đi chợ huyện hí hửng mua cá. Ngồi chọn một hồi, hỏi cá chép bao nhiêu. Nhật Hạ thấy đắt thì có nói một câu:
- Cô giảm cho cháu được không?
Đó là một câu nói quá bình thường khi mặc cả ở chợ, vậy mà bà bán cá hằm hằm quát Nhật Hạ rõ to:
- Mày có muốn tao đổ xô cá lên đầu mày không?
Bao nhiêu người quay lại nhìn, mặt Nhật Hạ nóng ran. Cô đã làm gì đâu mà bà ấy quát cô ác vậy? Thế là Nhật Hạ gân cổ cãi:
- Bán cắt cổ mà không cho mặc cả. Bà nói thế mà nghe được à?
Thế là bà ta nhấc cái chậu nước cá lên, hắt cho một hắt thật lực. May mà Nhật Hạ né nhanh, chỉ ướt tí chân. Lúc ấy, chẳng còn cách nào, Nhật Hạ lủi đi thật nhanh. Vừa đi vừa uất ức chảy nước mắt mà chẳng làm gì được.
Lần khác, vì quá xấu hổ với chuyện bà bán cá, mặc dù Nhật Hạ thấy cô chẳng có lỗi gì. Thế nhưng, cô vẫn chọn một khu chợ khác để mua chân giò hầm cho chị dâu mới sinh em bé. Nhật Hạ nhờ ông chú bán chân giò cắt đôi ra, vì cô chỉ cần mua có thế. Trong lúc ông chú cắt chân giò thì cô cúi xuống túi lấy tiền. Nào ngờ đâu, ông ta túm đầu cô, lấy nửa cái chân giò úp vào mặt cô. Hoảng loạn, Nhật Hạ thét lên. Vị thịt sống tanh nồm trong miệng, cô ngậm miệng lại. Hét không được, Nhật Hạ lấy hết sức bình sinh dùng hai tay đập vào đầu ông ấy. Cuối cùng, ông ta cũng buông Nhật Hạ ra. Dù không nhìn xung quanh nhưng cô có thể cảm nhận hàng trăm ánh mắt đang đổ dồn vào mình. Nhục nhã quá, cô bỏ chạy thục mạng ra khỏi chợ. Rõ ràng, Nhật Hạ còn không hề mặc cả, không hề nói câu gì khó chịu, không cãi cọ gì, tại sao người ta đối xử với cô như vậy? Đêm đó, gối ngủ của Nhật Hạ ướt sũng nước mắt.
Ở công ty cũng vậy, Nhật Hạ rõ ràng là trợ lý giám đốc mà công nhân chẳng hề nể cô, ngược lại cô còn bị mọi người bắt nạt. Nếu không phải vì miếng cơm manh áo, cô đã bỏ ngay cái công ty toàn những người không biết điều này rồi. Hôm nay, người này đòi chế độ tăng lương, ngày mai người kia đòi chế độ bảo hiểm,... Mà toàn đòi hỏi vô lý, đem cả quy chế, quy định ra họ cũng không nghe, giải thích họ cũng không chịu hiểu. Rồi không thỏa mãn đòi hỏi của họ là họ chửi bới Nhật Hạ ầm ầm đến xấu hổ. Đã nhiều lần Nhật Hạ phát khóc ngay công ty. Giám đốc nói Nhật Hạ có thể đuổi việc những người có hành vi vô lý ấy. Nhưng Nhật Hạ thương họ. Giờ mà đuổi thì họ cũng lao đao vì miếng cơm manh áo thôi. Cô thường hay đánh tiếng, họ cũng xin lỗi cô nhưng cô biết, họ xin lỗi chẳng qua vì không muốn mất việc, chứ thật họ chẳng cảm thấy có lỗi. Sự việc tương tự đã lặp đi lặp lại không dưới 20 lần làm Nhật Hạ rất mệt mỏi và đau khổ. Đỉnh điểm có một ngày, vừa mở cửa bước vào phòng làm việc, một công nhân đã chờ sẵn, lao vào Nhật Hạ sấn sổ, chửi bới cô tính công sai cho họ bằng những lời lẽ tục tĩu, thóa mạ nhất mà cô từng nghe.
Cuộc đời này vốn không bất công
Nhật Hạ thật sự kém cỏi, đáng ghét đến vậy ư? Tại sao công việc và cuộc sống của cô bế tắc đến vậy?
Trong một buổi tối, khi về nhà ngoại ăn cơm, Nhật Hạ nghe người cô ruột của mình nhắc đến chùa Ba Vàng và những bài giảng của Thầy Thích Trúc Thái Minh nói về nhân quả. Những ngày sau đó, Nhật Hạ đã vào tìm và nghe những video giảng giải của Thầy Thích Trúc Thái Minh và từ đó biết đến các bài chia sẻ Pháp của Cô Phạm Thị Yến. Lúc đó, cô chợt vỡ ra, cuộc đời này vốn không bất công với cô, mà ắt đều là nhân quả!
Từ ngày biết về Phật Pháp, Nhật Hạ đón nhận mọi thứ bình thản hơn. Và rồi một ngày, cô quyết định về chùa Ba Vàng để mong cầu được chư Tăng hướng dẫn tu tập chuyển hóa nghiệp khổ của mình. Và chính từ đây, Nhật Hạ cũng biết được mối duyên nghiệp trong kiếp xưa của mình khiến nay mình phải chịu quả báo khổ đau như vậy.
Trong một kiếp quá khứ, Nhật Hạ là con trai. Hắn có phước sinh trong một gia đình vừa có tiền, lại vừa có quyền thế. Vì vậy mà hắn tỏ ra rất vênh váo lắm. Hắn sống trong một ngôi nhà bề thế có đến mấy dãy, tường bao quanh bốn bề kín đáo. Mỗi lần hắn bước chân ra khỏi cổng, ai nhìn thấy là tránh, vì tính hắn thích cà khịa và ăn hiếp người khác.
Nhà ở gần chợ, hắn rất thích ra đó, đá vào cái mẹt này, đạp vào cái thúng kia chơi. Có lần, hắn đạp phải cái bu gà của một người bán gà. Cái bu lăn lông lốc, mấy con gà kêu quang quác, đập cánh phành phạch toán loạn. Người bán gà đó đang rú lên, thấy hắn quay lại lườm một cái mà cũng phải im re. May mấy con gà bị buộc chân nên họ không mất. Nói vậy để biết, gia đình hắn quyền lực và hắn ngông nghênh đến cỡ nào.
Ngay cạnh ngôi nhà hoành tráng của hắn, nằm lọt thỏm trong cái vườn loe hoe vài cái rau, là một ngôi nhà tranh của một gia đình nông dân nghèo. Gia đình hắn và gia đình đó đã có mối thù ghét nhau từ đời ông bà. Sau này nhà hắn phất lên, làm ăn tốt thì cũng kiếm được vài ba chức tước nhất định. Còn nhà họ thì vẫn mạt kiếp.
Hắn lên một kế hoạch hẳn hoi, tìm cách hạ nhục và tìm cách trả lại mối thù cho cha ông từ đời trước. Hắn rủ rê mấy thằng cháu của nhà đó cho ăn chơi. Dụ dỗ mấy thằng đó thì chỉ cần cho tiền là mắt chúng nó sáng lên ngay, bảo gì làm đó như chó theo chủ. Đến khi chúng nó quen ăn tiêu rồi, hắn không cho tiền nữa và dụ chúng nó đi ăn cắp. Sau đó, hắn đi rêu rao khắp làng trên xóm dưới là bọn cháu nhà đó đi ăn cắp. Thế là từ đấy, tất cả những nhà ai mất trộm cái gì đều đổ lỗi cho con lũ cháu của họ. Nhà hàng xóm đó điên tiết lũ cháu và cũng vì nhục nhã quá nên đánh bọn cháu đó thừa sống thiếu chết. Nhưng họ biết kẻ đứng sau bày trò này là hắn, ấy thế mà họ chẳng làm được gì, chỉ dám rủa thầm trong bụng. Còn hắn, tuy đã hả hê với kế hoạch này, nhưng hắn vẫn giữ trong mình tâm địa khiến cho nhà họ lụi bại mới thôi.
Một lần, hắn thuê người ăn cắp hết đồ thờ cúng trong làng rồi giấu trong vườn nhà họ. Hôm sau, hắn lũ lượt kéo dân làng đến và vu cho họ tội ăn cắp. Gia đình họ thanh minh, phân bua nhưng không được vì tang chứng vật chứng rành rành, không cãi được. Hắn thừa cơ xin dân làng cho treo người đó ở giữa làng để mọi người sỉ vả. Hắn còn chuẩn bị cả thùng nước đái trẻ con ngay đấy, ai cũng có thể tiện tay hất thứ nước khai đến nôn mửa ấy vào mặt họ. Chẳng những thế, hắn còn ra chợ gom tôm cá ế, rồi cũng đổ vào người đó. Thấy hắn sốt sắng đến việc hành hạ họ như vậy, chắc họ cũng đoán ra chủ mưu tất cả mọi việc là hắn. Ánh mắt người đó nhìn hắn căm thù, hắn cũng kệ. Có lần, hắn còn tự tay bón cho người đó cái thứ cháo thiu đã mốc xanh mà hắn đã mua và để đó cả chục ngày.
Họ bị dân làng phạt treo 15 ngày. Họ mệt lắm, đau lắm. Lúc treo lên, thấy hai cánh tay của họ tím bầm, máu tụ ở đấy sưng húp híp. Mắt hoa lên, cả người chẳng có cảm giác, ngực đau tức, đầu như búa bổ. Đã thế mưa nắng hắt vào, mệt lắm rồi. Thế này như là đã chết đi rồi vậy. Giờ bị treo ở đây, nhà cửa biết ra làm sao? Lại còn công việc làm ăn, cả nhà chết đói mất. Trong 15 ngày ấy, chắc họ đã trải qua đủ mọi thứ cảm xúc và đau đớn trên đời. Cuối cùng là vì nhục nhã, vì bị oan mà họ oán hận hắn tận xương tủy.
Gieo nhân ắt gặt quả
Đó chính là nhân duyên trong kiếp xưa khiến hắn trong kiếp này - tức là Nhật Hạ, tuy đủ phúc tái sinh làm người nhưng vẫn phải chịu quả báo vô cùng đau khổ. Cả cuộc đời của Nhật Hạ sẽ luôn luôn bị mọi người dè bỉu, xa lánh, khinh khi. Bị thịt sống bôi vào mặt, chậu cá đổ lên đầu, hay là bị mắng chửi bằng những lời lẽ thóa mạ,... tất cả những điều đó chưa là gì so với tội ác mà cô đã làm trong kiếp xưa đối với gia đình họ.
Cho đến ngày hôm nay, khi nghĩ lại mối duyên nghiệp đó, Nhật Hạ vẫn chưa hết giật mình sợ hãi. Nhật Hạ đã từng căm hận những người đã ghét bỏ, đối xử tệ bạc với cô ở kiếp này, giống như cách mà gia đình hàng xóm trong kiếp xưa đã căm hận Nhật Hạ như vậy. Rồi cuộc sống sau này sẽ thế nào? Nhật Hạ sẽ theo tâm căm hận ấy mà oán ghét từng người hay sao? Nhật Hạ sẽ tìm từng người từng người để trả thù hay không? Thế thì oan oan tương báo đến khi nào mới chịu dừng lại?
(Đây là câu chuyện nhân quả có thật tại chùa Ba Vàng. Tên các nhân vật đã được thay đổi)
Các bài nên xem:
Câu chuyện nhân quả: Con sẽ giết từng đứa một trong ngôi nhà ấy
Câu chuyện nhân quả: Quả báo đau khổ của người chồng vũ phu
Câu chuyện nhân quả: Tướng cướp và ngày nhận ra lỗi lầm
Câu chuyện nhân quả: Viêm màng não - kết cục của 17 nhát đâm
Câu chuyện nhân quả: Khỏi bệnh điên loạn sau 15 ngày tu tập phật pháp
Bình luận (2)
Trần Vũ Chúc Linh
Bài viết rất hay
Phạm Lan
Nhân quả đúng là không chừa 1 ai, không sai 1 ly 1 dặm. Chúng con thật may mắn được biết đến chùa Ba Vàng, biết đến Chính Pháp, và được tu học về nhân quả để hiểu và sám hối tội lỗi mà mình đã gây ra. Con xin thành kính tri ân Tam Bảo, tri ân công đức trên Sư Phụ, Đại Tăng chùa Ba Vàng ạ. Con xin thành kính tri ân Cô CN ạ!