Buồn chán, tuyệt vọng do trầm cảm - cần hiểu rõ nguyên nhân và phương pháp chuyển hóa cho người trong cuộc

Trầm cảm (Depression) là bệnh lý rất phức tạp; khiến cho người bệnh rơi vào trạng thái buồn bã, suy sụp, mất năng lượng sống, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến tự tử. Người mắc bệnh này không chỉ bị ảnh hưởng về mặt cảm xúc, tinh thần mà còn khiến sức khỏe, năng suất công việc giảm sút. Chính vì vậy, người bệnh rất cần được gia đình, xã hội quan tâm, chia sẻ và cảm thông.
Vậy nguyên nhân của bệnh trầm cảm là do đâu và làm cách nào để chuyển hóa theo đúng tinh thần của nhà Phật? Kính mời quý độc giả và các Phật tử cùng theo dõi bài viết sau qua lời chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa.

Tình trạng của trầm cảm hiện nay

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu. Tại Việt Nam, Viện sức khỏe Tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai thống kê, năm 2017 số người tự tử vì trầm cảm lên đến 40.000 người. Đây là con số đáng báo động về tình trạng trầm cảm tại nước ta. Trong buổi chia sẻ Phật Pháp với các Phật tử, cô Phật tử Phạm Thị Yến có chia sẻ rằng thời đất nước còn khó khăn vất vả, người dân sống chủ yếu bằng lao động chân tay, tự trách nhiệm với cuộc sống của mình nên tình trạng trầm cảm cũng ít xảy ra hơn so với thời đại bây giờ. Thời nay thế hệ trẻ dễ dàng gặp phải tình trạng trầm cảm khi không thể xử lý được các tình huống, vấn đề gặp phải trong cuộc sống.

tinh-trang-tram-cam
Ngày càng có nhiều người rơi vào tình trạng trầm cảm khi không thể xử lý được các vấn đề gặp phải trong cuộc sống (ảnh minh họa) 

Cô Phạm Thị Yến chia sẻ: “Hiện nay, rất nhiều người mắc phải căn bệnh trầm cảm, mất năng lượng. Nhiều bạn trẻ tự nhiên cảm thấy chán nản, không còn nhiệt huyết, không muốn tham gia vào mọi việc. Có bạn đã thả mình vào những cuộc vui, buông trôi để sự việc muốn ra sao thì ra. Có bạn tâm sự rằng: “Thôi, bây giờ, cháu cũng chẳng biết thế nào. Cháu đành để cho buông trôi”. Đó là những dấu hiệu của việc trầm cảm, mất năng lượng”.
Trầm cảm là một bệnh lý khó nhận diện, khó chữa trị. Nhiều người còn không biết rằng mình có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, cho đến khi dấu hiệu nặng rồi mới đến gặp bác sĩ để chữa trị. Người bị trầm cảm nếu không được quan tâm đặc biệt sẽ trở nên tiêu cực, chán nản, mất năng lượng, mất động lực trong cuộc sống. Điều đó sẽ khiến họ khó có được cuộc sống hạnh phúc, viên mãn.

Nguyên nhân sinh ra trầm cảm

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh từng dạy: “Nhà Phật nhận định, đánh giá một vấn đề một cách toàn diện; có cả từ quá khứ cho đến hiện tại và nó nhìn từ nhiều mặt”. Từ lời Sư Phụ dạy, chúng ta biết rằng, vấn đề trầm cảm cũng có rất nhiều nguyên nhân đến từ hiện tại và quá khứ. Để quý độc giả có cái nhìn toàn diện về vấn đề trầm cảm, Cô Phạm Thị Yến đã đưa ra một số nguyên nhân theo quan điểm nhà Phật.

co-chu-nhiem-2
 Cô Phạm Thị Yến - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chia sẻ về những nguyên nhân gây ra việc trầm cảm

Trầm cảm bắt nguồn từ việc không nhận diện được bản thân

Nguyên nhân thứ nhất của bệnh trầm cảm mà Cô Phạm Thị Yến đề cập đến là từ việc không nhìn nhận được khả năng trong hiện tại của mình. Cô chia sẻ: “Tất cả sự mệt mỏi, căng thẳng và trầm cảm là do mình không biết được hiện trạng, hoàn cảnh của mình, tức là mình không biết quán xét về mình, về khả năng và hoàn cảnh của mình. Cho nên, mình đòi hỏi những điều quá khả năng, quá hoàn cảnh của mình, quá khả năng của cha mẹ cho mình. Vì vậy dẫn đến tình trạng như thế này”.
Để đại chúng hiểu rõ hơn, Cô lấy ví dụ về việc một nhóm bạn cùng sinh hoạt với nhau; nhưng bạn có váy đẹp còn mình thì không. Trong trường hợp đó, nếu người không nhận diện được hoàn cảnh của mình sẽ sinh tâm tự ti, từ đó xa lánh, không dám đi chơi với bạn bè. Rồi vì hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ không có tiền mua lại sinh ra hờn dỗi, xa lánh bố mẹ. Người ấy tự tạo cho mình một không gian bó hẹp, thu mình về một chỗ. Từ đó bị trầm cảm, căng thẳng.
Cô Phạm Thị Yến cũng chia sẻ: “Trong quan hệ bạn bè thì đua đòi, cái gì cũng muốn bằng bạn, bằng bè. Ví dụ: Thấy bạn thông minh hơn, còn mình không thông minh bằng thì cũng tự mình làm mình ức chế. Do đố kỵ, khó chịu với sự thành công của người khác nên sinh ra căng thẳng, rồi dẫn đến mệt mỏi và cuối cùng là bị trầm cảm. Khi đã mệt mỏi thì không muốn tiếp xúc với ai”.

nguoi-hay-do-ki
Người hay đố kỵ với sự thành công của người khác sẽ sinh ra ganh tỵ, ức chế lâu dần dẫn đến trầm cảm (ảnh minh họa)

Trầm cảm do tính cầu toàn của bản thân nhưng không biết cách thực hiện

Một người quá cầu toàn, kỹ tính nhưng không biết cách làm việc cũng có thể tự tạo áp lực cho mình và sinh ra những trạng thái căng thẳng, trầm cảm. Cô chia sẻ: “Bệnh trầm cảm bắt đầu từ trạng thái lo âu, hoảng sợ. Những người mắc bệnh này thường là những người mang tính cầu toàn, luôn hướng tới một cái đích tốt đẹp nhưng lại không biết cách để làm điều đó. Ví dụ: Chúng ta nhìn lên đỉnh núi rất cao và muốn leo tới đấy. Nếu là một người biết leo thì sẽ nhìn xuống chân và đi từng bước một, nhưng nếu cứ nhìn lên đỉnh núi, mà không nhìn lại chỗ mình đứng thì sẽ có trạng thái hoảng sợ. Ở đây cũng vậy, khi cầu toàn nhưng lại không nhìn lại chính mình hiện tại khiến mình luôn lo âu, sợ đối diện với người khác, làm cho thần kinh bị căng thẳng”.
Cầu toàn, mong muốn cho mọi việc được tốt đẹp ở mức độ nào đó có thể giúp chúng ta tiến lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu cầu toàn mà không biết nhìn lại mình, không biết khả năng của mình, mong muốn những điều vượt quá khả năng ấy thì sẽ gây ra sự căng thẳng, trầm cảm cho chúng ta.

Áp lực từ bố mẹ tạo ra cho các cháu học sinh, sinh viên

Xuất phát từ tình yêu thương nên cha mẹ nào cũng mong mỏi con mình được thành công trong cuộc sống bằng cách đầu tư và đặt nhiều hy vọng vào con. Tuy nhiên, nếu không biết cách thì vô tình cha mẹ sẽ tạo áp lực nặng nề cho con. Cô chủ nhiệm chia sẻ: “Nhiều gia đình, bố mẹ đặt mục tiêu cho con mình quá lớn mà không để ý đến khả năng của con. Ví dụ: Năng lực của con có hạn, nhưng bố mẹ lại cứ ép con phải đạt học sinh giỏi. Đến khi con không được học sinh giỏi, nó sẽ sinh ra chán nản, mệt mỏi, ngại tiếp xúc với bố mẹ. Đó là bố mẹ ép con mình trở nên trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi và lo âu. Lúc nào nó cũng phải lo nghĩ là nó có đạt được mục đích kia không. Và khi không đạt được, nó chỉ muốn chết vì đã làm cho bố mẹ thất vọng và chính nó cũng thất vọng vì bố mẹ đã “nuôi cấy” cho nó sự thành công mà không nhận biết được khả năng của nó thế nào”.

ban-tre-bi-ap-luc
Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ bị áp lực từ việc học tập 

Tuy nhiên, cả ba nguyên nhân trên chỉ là những nguyên nhân “ngọn” ở trong hiện tại mà chưa phải là nguyên nhân “gốc” sinh ra trầm cảm.

Nguyên nhân gốc từ nhân quả khiến sinh ra trầm cảm

Là người học Phật, chúng ta hiểu rằng mọi điều chúng ta đón nhận ngày hôm nay đều là quả mà chúng ta đã gieo trồng từ trước. Như lời Đức Phật dạy, làm việc thiện sẽ được an lạc, hạnh phúc, còn làm ác chắc chắn sẽ gặt bất hạnh, khổ đau. Vậy nên việc tìm hiểu nhân - duyên - quả của bệnh trầm cảm là vô cùng cần thiết. Vậy người hay bị căng thẳng, mệt mỏi dẫn đến trầm cảm có nguyên nhân từ đâu? Cô Phạm Thị Yến giải thích theo góc nhìn đạo Phật: “Nguyên nhân của bệnh trầm cảm, mất năng lượng là sự hủy hoại người khác. Tức là trong quá khứ, chúng ta đã nói những lời khiến người khác mất danh dự, phỉ báng họ trước đám đông. Chúng ta luôn đe dọa người khác khiến cho họ phải lo sợ, đau khổ. Đó chính là khẩu nghiệp”.

nhan-qua-tram-cam
Nguyên nhân gốc từ nhân quả khiến sinh ra trầm cảm đó là nói xấu người khác khiến cho họ bị mất danh dự (ảnh minh họa)

Ngoài ra, Cô chủ nhiệm cũng chia sẻ một số nguyên nhân khác như ngày nay, các bạn trẻ được nuông chiều, sống thụ động nhiều bằng sự chăm sóc, nuôi dưỡng của ông bà, cha mẹ. Cho nên, đến khi không được như ý thì tự chúng bị căng thẳng thần kinh, vật vã, oán trách, đòi hỏi,... Chính những sự căng thẳng này dẫn đến mệt mỏi và trầm cảm. Qua lời lý giải của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta biết được nguyên nhân sâu xa của bệnh trầm cảm xuất phát từ những việc làm bất thiện trong tiền kiếp. Từ đó chúng ta sẽ tìm ra được cách chuyển hóa dựa theo phương pháp tu tập trong đạo Phật.

Cách tư duy và giải quyết trong cuộc sống khi bị trầm cảm

Từ những nguyên nhân ở thực tại cũng như từ quá khứ, cô Phạm Thị Yến đã đưa ra những cách tư duy, thực tập để giải quyết tận gốc bệnh trầm cảm như sau:

Nhận diện được chính mình, đối diện với vấn đề trong hiện tại

Để dần thoát khỏi trầm cảm, mỗi người đều nên tự nhìn nhận lại hoàn cảnh, khả năng và tâm của chính mình trước tiên, như Cô giảng giải: “Việc đầu tiên khiến chúng ta không thể thoát khỏi bệnh trầm cảm là do không dám nhìn lại chính mình, không dám đối diện và phân tích được mình đối với đám đông là như thế nào. Cho nên bây giờ, tất cả chúng ta nên đối diện với thực tại và giải quyết nó chứ không phải bỏ nó mà mình có thể hoàn thiện lên được. Vì chúng ta còn suy nghĩ đến thiếu hụt của mình nên sinh ra tâm buồn. Vì thế, khi nhìn thấy người khác thành công, mình lại không dám tiến gần đến người ta nữa. Điều đó sinh ra mệt mỏi, khiến mình muốn ở một mình để thoải mái, rồi khi mình hướng tâm đến chỗ đông thì cảm thọ sợ lại quay trở lại”.

ngoi-thien-1
Ngồi thiền sẽ giúp bạn có thời gian để tĩnh tâm nhìn lại chính mình 

Vậy nên, Cô khẳng định thêm: “Mình không thể trốn tránh bất kỳ điều gì được. Bởi vì mình là chủ nhân của tâm mình. Mình càng trốn tránh thì càng bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Vì muốn trốn tránh thực tế khiến mình nghĩ rằng : “Sao mình không được như thế kia?”, bởi vậy mà càng thu hẹp chính mình lại. Thay vì làm điều đó, chúng ta nên đối diện với sự thật và giải quyết vấn đề của chính mình. Đấy là cách tư duy để chúng ta bỏ những lo âu, căng thẳng về mình và nhìn nhận lại mình để tìm cách ra để đối trị”. Thật vậy, để giải quyết được bất kì một vấn đề gì, mỗi người đều cần tư duy sao cho đúng đắn. Đối với người trầm cảm, cần phải đối diện với sự thật và tìm cách giải quyết triệt để nhất.

Phương pháp xoay tâm, cắt đứt vọng tưởng

Bên cạnh phương pháp nhận diện chính mình để quay về thực tại; cô Phạm Thị Yến cũng đưa ra phương pháp để chúng ta thực hành khi tiếp xúc với đám đông: “ Khi tiếp xúc giữa đám đông, chúng ta hãy ngồi yên và thả lỏng cơ thể, hít thở khoảng ba đến năm hơi. Lúc bấy giờ, tâm chúng ta chú ý vào từng hơi thở thì năng lượng ở trong thân tự phát sinh, tự sung mãn. Sau đó, chúng ta có thể chú ý nghe tiếp hơi thở. Khi ấy, tâm của chúng ta rất sáng vì những âu lo tự buông xuống. Kể cả khi họp bàn, đàm phán,... chúng ta vẫn có thể áp dụng cách làm này để xoay lại trong tâm mình, cắt đứt những vọng tưởng, ưu tư, phiền muộn đang chi phối mình. Khi theo dõi như vậy khiến cho chúng ta chú tâm vào công việc hiện tại.
Khi cảm thấy mình có dấu hiệu về trầm cảm, mất năng lượng trong thân, chúng ta đừng suy nghĩ theo vấn đề mình đang lo lắng mà hãy xoay lại, hãy đứng đó, thả lỏng cơ thể, hít thở hai, ba hơi, thì sẽ lấy lại được sức mạnh. Cứ như vậy, khi đối diện với bất kỳ điều gì, tâm mình cũng không run sợ nữa”.
Từ lời chia sẻ của Cô chủ nhiệm, chúng ta thấy rằng, việc hít thở, xoay tâm, đối diện tâm sẽ tạo ra nguồn năng lượng để giải quyết những vấn đề lo âu và căng thẳng. Đây là phương pháp tuy đơn giản nhưng mang lại hiệu quả rất lớn. Khi có dấu hiệu của việc mất năng lượng, tự ti trước đám đông, mỗi người cần thực hành để chuyển hóa tâm mình.
Làm những việc khiến sinh tâm hoan hỷ và tạo nên thành công cho mình từ những việc nhỏ
Cô chủ nhiệm cũng chia sẻ thêm, để thoát ra khỏi tình trạng mất năng lượng, trầm cảm, chúng ta cần tìm được những động lực trong cuộc sống từ những việc rất nhỏ như nấu ăn, trồng cây,... Khi có được những thành công nhỏ, tâm sinh ra hoan hỷ thì tình trạng trầm cảm sẽ dần được đẩy lùi.
Cô Phạm Thị Yến hướng dẫn: “Muốn thoát ra khỏi tình trạng này, đầu tiên chúng ta phải nhìn lại xem trong tất cả các phương diện, mình cần gì, khả năng của mình như thế nào, làm được gì trong công việc và có thể phấn đấu thêm về điều gì. Ví dụ: Khả năng giao tiếp kém thì mình có thể phát triển khả năng giao tiếp trong gia đình bằng cách nói năng nhanh nhẹn, hoạt bát, tập chào hỏi cha mẹ, anh em. Khả năng làm việc còn chậm thì thực tập làm các việc nhà nhanh nhẹn lên. Tự nhiên trong phấn đấu thực tế, con người ta sẽ vui qua những lần thành công và từ đó lấy lại được nhiệt huyết sống của mình. Bởi vì, nhiệt huyết sống hay không là do sự thành công của mình. Nếu mình thành công thì có nhiệt huyết, còn mình thất bại thì sẽ chán chường. Cho nên, chúng ta hãy cố gắng trong tất cả khả năng của mình, phấn đấu làm những việc đưa mình đến thành công dù chỉ là việc nhỏ”.

phan-dau-thanh-cong
Phấn đấu thành công từ những việc nhỏ nhất dần dần giúp chúng ta sẽ thoát được tình trạng mất năng lượng

Giải quyết tận gốc trầm cảm theo Pháp của Phật

Từ những nguyên nhân gây nên trầm cảm, mất năng lượng mà Cô chủ nhiệm chia sẻ thì bên cạnh đó, Cô cũng hướng dẫn cách thực hành theo lời Phật dạy: “Chúng ta nên học bố thí, nói lời chân thật, đừng dọa nạt ai, đừng chửi bới khiến người khác phải lo lắng, sợ sệt. Như thế, mình sẽ không bị nghiệp lo âu, sợ hãi. Dù đứng trước đám đông bao nhiêu chăng nữa thì cũng không sợ. Như Đức Phật của chúng ta là bậc có lời nói chân thật, đúng chân lý nên Ngài rất tự tại. Vậy, chúng ta muốn tự tại thì hãy nói những lời chân thật mang lại lợi ích cho số đông”.
Từ lời khuyên của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta biết rằng để giải quyết được bệnh trầm cảm thì mỗi người cần tu sửa tâm và làm nhiều việc thiện để hóa giải nghiệp cũ. Chúng ta nên nói lời ái ngữ, lời chân thật, mang lại sự bình yên cho người khác. Ngoài ra, người bị trầm cảm nên biết bố thí, cúng dường để tích lũy phước báu cho mình thì bệnh sẽ được chuyển hóa.

Biết bố thí, cúng dường để tích lũy phước báu cho mình thì những điều tốt lành sẽ đến với chúng ta

Biết bố thí, cúng dường để tích lũy phước báu cho mình thì những điều tốt lành sẽ đến với chúng ta

Qua lời giảng trạch của Cô Phạm Thị Yến, chúng ta đã hiểu được các nguyên nhân “gốc” và “ngọn” gây ra bệnh trầm cảm và phương pháp giải quyết theo đúng tinh thần của nhà Phật. Từ đó cũng mang lại cho chúng ta bài học về cách sống biết yêu thương, trân trọng mọi người; không gây tạo ác nghiệp để chịu quả báo khổ đau.
Hy vọng rằng bài viết trên đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho những người đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.
Hạnh Duyên
Các bài nên xem: 

-
aa
+
3,333 lượt xem
19/06/2020

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ