Bí mật đằng sau những loại hoa quả kiêng kỵ khi thờ cúng

Việc bày loại hoa, quả gì lên bàn thờ để được phước báu hoặc loại hoa quả kiêng kỵ không được bày lên bàn thờ để tránh xui xẻo trong thời gian gần đây đang gặp khá nhiều ý kiến trái chiều khiến cho không ít người đang gặp phải những sự băn khoăn không đáng có. Theo quan điểm đạo Phật, việc bày hoa quả lên bàn thờ mà kiêng tên gọi như vậy có mang lại lợi ích cho gia chủ không? Mời quý Phật tử cùng theo dõi bài viết sau đây.

Một số loại hoa quả kiêng kỵ khi thờ cúng

Hoa ly có hình dạng giống cái ly thì được gọi là hoa ly, chứ hoa ly không mang ý nghĩa là ly biệt. Chúng ta ly biệt là do quả báo của việc nói lời chia rẽ. Cho nên, nếu chúng ta trồng cây nào xuất phát từ lời nói chia rẽ thì mới nhận quả báo là ly biệt, chứ bông hoa ly không thể khiến chúng ta ly biệt được.

Hoa phong lan: Phong tình, phóng túng thuộc về tâm. Nếu tâm phóng túng, buông lung, không sống theo một quy chuẩn đạo đức nào thì chúng ta sẽ chịu quả báo ngay trong hiện tại khiến bị đau khổ. Ví như người đi tu mà phóng túng, buông lung thì sẽ phạm vào giới, làm các việc ác. Còn Phật tử tại gia chúng ta giữ gìn năm giới, nhưng nếu chúng ta không giữ giới, đến nhà một người bạn và ăn cắp cái nhẫn vàng bạn để quên trên bàn; nhà bạn có camera thì bạn sẽ chụp lại và đưa lên mạng, đó chính là quả báo của mình trong hiện tại.

Hoa đại: Vào ngày lễ Phật đản sinh, Yến hay dùng hoa đại để kết thành vòng đeo vào tượng Thái tử Tất Đạt Đa. Bởi vì hoa đại có màu trắng vừa phải, có hương thơm nên chúng ta có thể dâng cúng. Người ta nói rằng: “Cây đại thì có ma, cây đa thì có thần”. Thực ra, cây nào cũng thế, nếu là cây to mà không biết cách chặt thì chặt vào mình sẽ có vấn đề ngay, bởi vì những câu đó đều có quỷ thần trú ngụ. Nếu tên cây ảnh hưởng như thế thì đối với tên người, tên nào thì thành bí thư, tên nào thành chủ tịch, tên nào thành ăn trộm, tên nào bị đao,... để kiêng ra? Cho nên tên hoa không có tác dụng gì về phần tâm linh cả.

Quả gai nhọn như sầu riêng, mít, dứa (Vì theo quan niệm phong thủy, những trái cây có gai nhọn khi thắp hương cúng có thể làm ảnh hưởng tới gia đạo, sự bình an của các thành viên trong gia đình.)
Kính thưa quý đạo hữu! Nếu bây giờ chúng ta rủ nhau đi ăn trộm ăn cướp, xong về nhà cúng toàn những loại quả nhẵn nhụi, không có gai thì liệu tội ăn trộm kia của chúng ta có bị công an không bắt nữa không? Cho nên, quan điểm này hoàn toàn là mê muội, khiến cho đạo đức ngày càng xuống cấp.

Đừng nghe theo số đông, hãy tư duy kỹ rồi thực hành

Theo giáo lý nhân quả, nếu chúng ta muốn có phúc thì chúng ta phải tu cái đức. Đức tốt thì phúc sẽ tốt, đức không tốt thì phúc không tốt. Còn khi mình cúng dường Tam Bảo, đó là nơi để rèn giũa đạo đức thế gian, mang lời Phật dạy khiến cho chúng sinh được tu nhân, tu quả thì cái đó sẽ sinh ra phúc báu cho mình. Cho nên, cái đức là cội phúc mà ngàn ngàn đời con người đều phải công nhận điều đó. Vì thế, Đức Phật là bậc trí tuệ. Ngài nói rằng: “Nghe thấy điều gì nên tư duy kỹ đi đã rồi mới thực hành”.

Có người nói: "Không cúng quả sầu riêng nữa, bởi vì nó sẽ mang đến sầu muộn cho mình". Quả mọc sát đất, mọc gần nơi ô uế như quả sim, quả dại, thậm chí là quả dâu tây... Thực chất, người ta lấy tâm cung kính nên không mang những quả mọc ở nơi ô uế cúng dường như ở chuồng phân trâu. Đối với quả sim, chúng ta vẫn có thể cúng dường được. Những quả gì ăn nuôi sống con người được thì mình mang cúng dường. Còn cây nào mà chẳng có phân bón, không bón phân thì nó mọc thế nào? Càng có nhiều phân thì đất càng tốt, quả càng ngon. Còn nếu bây giờ mình trồng một mảnh đất mà một chục năm không bón phân thì quả sẽ không ăn được.
Đặc biệt: "Dù tỏi không phải là quả nhưng tuyệt đối không bày lên bàn thờ, vì theo nghi thức dân gian, tỏi kỵ với thần linh". Chẳng lẽ, những làng trồng tỏi thì người ta không có thần linh hay sao? Ở Ấn Độ, dân ăn cái gì cũng ăn với tỏi. Cho nên, quan niệm “ăn tỏi quỷ liếm mép” là hoàn toàn sai lầm. Quỷ hại mình, quấy nhiễu mình là do tâm mình bất thiện, làm các việc ác trong nhiều kiếp như bất hiếu, bất nghĩa, không biết yêu thương, không biết tha thứ, không biết thương xót chúng sinh... Vì tâm mình tương ưng với tâm quỷ nên mình mới bị quấy nhiễu. Đối với quỷ, mùi gì chúng cũng chấp hết chứ không phải là do quỷ sợ tỏi.

Có những người trong lúc ngủ bị bóng đè hay gặp các hiện tượng nào đó, người ta thường mang con dao, mang củ tỏi vào để gần mình thì không còn các hiện tượng đấy. Đó là do lúc đầu quỷ còn thấy lạ lạ nên không đến. Không phải là do mình mang con dao hay mang củ tỏi, mà là do tâm mình chống lại nó; khi tâm mình chống lại nó thì phước báu của mình dồn về. Bởi vì nếu không biết đến Phật Pháp, khi mình làm các việc thiện thì mình không bao giờ hồi hướng, cho nên khi nào có duyên thì mình được hưởng phước đó.
Cũng giống như trong trường hợp này mình mong cầu thì phước báu đó lại dội về. Khi mình bị nghiệp như thế, mình mang củ tỏi, con dao hay bất cứ cái gì lạ đến và khởi tâm mong muốn thì hôm đó mình sẽ không bị các hiện tượng đó, còn không bị nhiều hay không bị ít là do phước của mình. Nhưng thử mấy ngày sau, quỷ thử mon men đến thì thấy không làm sao nên mình vẫn sẽ bị các hiện tượng cũ tái diễn như thế, không giải quyết được. Cho nên, nếu mình bị phi nhân làm hại thì tốt hơn hết là tích phước để hồi hướng cho các chúng sinh đó.

Bên cạnh đó, cũng có một số loại quả mà người ta rất chuộng để dâng cúng lên bàn thờ. Ví dụ: Cầu thì miền nam gọi là quả mãng cầu; quả dừa thì miền nam gọi là quả vừa; quả đu đủ; quả xoài thì gọi là quả xài, quả thơm (dứa) thì gọi là danh. Tức là: Cầu, vừa, đủ, xài, thơm danh.

Tu học Phật pháp để tăng trưởng phúc báu

Hồi còn nhỏ, Yến cùng những người bạn trong nhóm ngồi xếp vòng tròn và kể ra một điều ước hoặc cái gì có thể ăn được, vì hồi đó nhà rất nghèo. Đến lượt Yến thì Yến ước có một cục vàng. Khi ấy, một cậu ở bên cạnh Yến mới nói: “Đã mất công ước thì ước hẳn một hũ vàng đi cho xong”. Cho nên, ở đây mình cầu vừa đủ xài thì tại sao mình lại không cầu thừa thoải mái, không xài hết thì mang đi cho? Tâm mong muốn của con người là tâm thiện lành, nhưng để đạt được mong muốn đó thì chúng ta phải có phương pháp đó chính là bỏ ác hành thiện. Và “thiện là gì”, “ác là gì” thì chúng ta phải học trong đạo Phật thì sẽ rõ ràng và dễ thực hành hơn.

Dưới cái nhìn phong thủy, màu sắc mâm ngũ phẩm như: Trắng, xanh, lục, đỏ, vàng, có ý nghĩa của vòng tương sinh khép kín, biểu tượng cho may mắn như: Kim, thủy, mộc, hỏa, thổ. Về mặt hiếu đạo, mâm ngũ phẩm cúng bàn thờ tổ tiên biểu tượng cho tứ thân phụ mẫu, bảo bọc cho gia đình, gia chủ chính giữa ấm cúng đoàn viên. Về xướng danh theo tên gọi trái cây có thể nói về ước vọng hạnh phúc thầm kín của gia chủ, ví dụ như: Cầu, dừa, đủ, xài, thơm, danh hoặc cầu, dừa, đủ, xài, sung - mang ý nghĩa là cầu vừa đủ xài sung sướng.

Những cái này chỉ gọi là biểu tượng. Vì dân Việt Nam thường có tâm mong muốn nên thường thắp hương những cái này để nói lên tâm mong muốn của mình. Mong muốn thiện lành thì được, nhưng mê tín thì sẽ dẫn đến đau khổ. Đức Phật dạy: Không có gì mất phước nhanh hơn bằng tà kiến; nếu ai đã rơi vào tà kiến thì pháp thiện đã sinh sẽ bị tiêu diệt, pháp thiện chưa sinh sẽ không được sinh khởi, pháp ác chưa sinh sẽ được sinh khởi. Cho nên, không có gì nguy hại bằng tà kiến. Vì thế, khi chúng ta có chính kiến, chúng ta sẽ có phúc lành, tự mình bảo hộ mình, bỏ ác làm lành thì chúng ta sẽ sinh ra phước. Còn người có tà kiến, chỉ làm việc ác, không biết làm lành thì pháp ác sẽ sinh. Cho nên, điều chúng ta học được trong giáo lý nhà Phật sẽ mang lại cho chúng ta hạnh phúc

Xem thêm:

-
aa
+
3,562 lượt xem
08/01/2022

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ