Bài kinh: Thương xót chúng sinh Phát tâm Bồ Đề

Tôi nghe như vầy:
Một thời, Đức Phật trú tại khu vườn rừng Kỳ Đà – Cấp Cô Độc, nơi Tinh xá Tu Đạt Đa thuộc nước Xá Vệ, cùng với năm trăm đại Tỳ-khưu tăng hội đủ, Bồ Tát gồm một ngàn vị.
… Lúc bấy giờ Tôn giả Ưu Ba Ly, bạch Đức Phật về Bồ Tát phát tâm Bồ Đề. Đức Phật dạy tôn giả Ưu Ba Ly và đại chúng:
Bồ Tát Ma Ha Tát lúc ban đầu phát tâm, nên lập chánh nguyện lớn, nói như vầy: Khi tôi chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, phải làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, cần đặt yên mọi chúng sinh trong Đại Niết Bàn, lại phải giáo hóa hết thảy chúng sinh khiến có đầy đủ đại trí Bát nhã, đó gọi là tự lợi lợi tha. Vì thế người ban đầu phát tâm Bồ Đề, gọi là nhân duyên của Bồ Đề, nhân duyên của chúng sinh, nhân duyên của chánh nghĩa, nhân duyên của ba mươi bảy pháp trợ đạo, thâu giữ tất cả căn bản pháp thiện, nên Bồ Tát gọi là đại thiện của thiện, chân thật của thật, cũng gọi là thiện căn của tất cả chúng sinh, có thể phá trừ tất cả các thứ xấu ác của ba nghiệp thân khẩu ý. Tất cả thệ nguyện ở thế gian và xuất thế gian không có gì hơn đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, thệ nguyện như vậy là vô thắng, vô thượng.

… Bồ Tát nếu có thể phát tâm Bồ Đề, thì được gọi là Bồ Tát Ma Ha Tát, nhất định chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, cho nên ban đầu phát tâm Bồ Đề, thì có thể thâu giữ tất cả pháp thiện. Bồ Tát Ma Ha Tát phát tâm Bồ Đề, tùy sự thực hành mà dần chứng đắc đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nếu không phát tâm thì trọn không thể chứng đắc, cho nên phát tâm là căn bản của đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng. Bồ Tát Ma Ha Tát thấy chúng sinh khổ, tâm liền sinh thương xót, cho nên Bồ Tát nhân nơi tâm từ bi mà phát tâm cầu đạt đạo quả Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, nhân nơi tâm Bồ Đề mà tu ba mươi bảy phẩm trợ đạo, nhân nơi ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà chứng đắc quả vị Chánh đẳng Chánh giác Vô thượng, cho nên phát tâm gọi là chi. Phát tâm Bồ Đề nên thực hành giới Bồ Tát, vì thế phát tâm là chi của giới Bồ Tát. Vì thế phát tâm gọi là căn, là nhân, là thâu tóm, là quả, cũng gọi là chủng tử Bồ Tát phát tâm.
… Tôn giả Ưu Ba Ly và đại chúng nghe Phật giảng nói xong liền hoan hỷ đảnh lễ đi nhiễu quanh Phật rồi lui ra.

(Trích soạn từ: Kinh Bồ Tát Thiện Giới, Hán dịch: Đời Lưu Tống, Tam Tạng Cầu Na Bạt Ma. Xem: Quyển 1, Phẩm 3: Phát tâm Bồ Đề của địa Bồ Tát)

 

-
aa
+
986 lượt xem
02/05/2022

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ