Bài kinh: Phật Khuyên Bảy Vị Tỳ-kheo Dứt Thối Chí

Thuở xưa, có bảy vị Tỳ-kheo vào núi học đạo. Trải qua mười hai năm mà họ vẫn chưa đắc đạo, nên bàn với nhau rằng:
- Học đạo thật khó, phải hủy bỏ hình hài, giữ lấy tiết tháo, chịu đựng nóng lạnh, trọn đời khất thực thọ nhục đủ điều. Nếu rốt cuộc không đắc đạo, thì tội nghiệp vẫn còn nguyên, chỉ luống tự lao nhọc, bỏ mạng trong núi. Chi bằng chúng ta hãy trở về nhà làm ăn, lấy vợ sinh con, lo làm giàu để hưởng sung sướng, sau này ra sao thì ra.

Bàn xong, bảy người cùng rời khỏi núi. Đức Phật ở xa biết họ có thể hóa độ. Nếu không nhẫn được cái khổ nhỏ, họ sẽ đọa vào địa ngục thật đáng tiếc thương. Đức Phật liền hóa ra một vị Sa-môn đứng ngay ở đầu khe núi. Bảy người đi ra liền gặp. Hóa Sa-môn hỏi:
- Các vị tu hành đã lâu sao lại bỏ núi đi?

Bảy người đáp:
- Học đạo cực khổ mà không nhổ được gốc tội, việc khất thực thọ nhục khó nhẫn. Lại nữa, trong núi không ai cúng dường, bao năm chật vật, luôn sống thiếu thốn, chỉ cực khổ suông mà không đắc đạo. Nên chúng tôi muốn về nhà làm ăn thật giàu có, rồi già mới tu lại.
Hóa Sa-môn nói:

- Hãy thôi! Hãy thôi! Nghe tôi nói đây. Mạng người vô thường sớm còn tối mất, học đạo tuy khó, trước khổ sau vui. Gia nghiệp khó khăn muôn kiếp khó dứt. Nếu mong cùng vợ con sum họp hưởng lạc, mong sung sướng mãi không gặp tai họa thì khác nào trị bệnh mà uống độc dược, chỉ nặng thêm không chút thuyên giảm. Trong ba cõi, có thân là có ưu não, chỉ có giữ tròn giới hạnh, không phóng dật tinh tấn tu hành, chứng được đạo quả mới chấm dứt tất cả khổ.

Bấy giờ, hóa Sa-môn liền hiện lại tướng Phật, hào quang rực rỡ nói kệ rằng:

Tu khó, hết tội khó
Ở nhà cũng khó khăn
Sum họp hưởng lợi khó
Gian nan nhất: Có thân.
Tỳ-kheo khất thực khó
Đâu thể không gắng công
Tinh tấn đến tự tại
Không đòi hỏi phiền ai.
Có tín, thành tựu giới
Từ giới, pháp bảo sinh
Nhờ đó sống an ổn
Được cung kính cúng dường.
Ngồi nằm hay đi đứng
Không phóng dật tinh cần
Luôn chính tâm giữ đạo
An vui sống núi rừng.

Lúc ấy, bảy vị Tỳ-kheo thấy thân tướng Phật, lại nghe kệ này nên hết sức hổ thẹn, run sợ vội quỳ mọp sát đất lễ dưới chân Phật, hết lòng sám hối rồi lễ Phật ra đi. Họ trở vào núi dụng “tử công phu”, tinh tấn tu tập, tư duy ý nghĩa bài kệ trên, chính tâm chuyên nhất, an trú tịch diệt, chứng quả A-la-hán.

-
aa
+
16,701 lượt xem
13/08/2021

Bình luận

Phản hồi cho Hủy bỏ